Gia tăng chuỗi giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp trong nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh

Để kinh tế ngành hàng sen Đồng Tháp phát triển bền vững và hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ để tập trung nâng cao chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, chất lượng bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đây là chủ đề chính được gần 100 đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và người trồng sen Đồng Tháp chia sẻ tại Hội thảo "Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp trong nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh” tổ chức ngày 18/5 tại Lễ hội sen Đồng Tháp lần II/2024.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho rằng, với lợi thế đặc thù về tiềm năng, thế mạnh kinh tế và giá trị văn hóa địa phương, chuỗi giá trị sen của Đồng Tháp đã có những bước tiến đáng kể, nhất là từ Hội thảo khoa học “Chế biến sâu - giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen” được UBND tỉnh tổ chức đã đánh dấu cho hành trình xây dựng chuỗi ngành hàng sen Đồng Tháp có chiều sâu và định hướng Kế hoạch số 310/KH-UBND về kế hoạch phát triển ngành hàng sen đến năm 2025.

Nhiều hoạt động đã được Hội ngành hàng tham gia và tổ chức như: xúc tiến thị trường tại Thái Lan, các thị trường lớn trong nước như TP.HCM, Hà Nội, kể cả bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính…

Tuy nhiên, để tăng giá trị gia tăng cao và chế biến sâu các mặt hàng chất lượng, kể cả thương mại hóa, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, nhất là thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính…, thì ngành hàng sen Đồng Tháp hiện chưa đáp ứng như kỳ vọng và phát triển chưa tương xứng với vị thế tiềm năng của địa phương.

Ban tổ chức và chính quyền tỉnh Đồng Tháp rất kỳ vọng các chuyên gia, nhà quản lý, nhà bảo tồn, doanh nghiệp và người trồng sen Đồng Tháp tích cực nghiên cứu trao đổi và đề xuất các ý tưởng mới, mô hình hay, cách làm phù hợp trong Hội thảo này, góp phần đưa ngành hàng sen phát triển hiệu quả, bền vững theo định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hội nhập của tỉnh.

Tại Hội thảo, có nhiều tham luận và hàng chục ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và người trồng sen được các đại biểu quan tâm đánh giá cao như: đề xuất Xây dựng chuỗi ngành hàng sen Đồng Tháp trong nền kinh tế xanh và hội nhập của Hội ngành hàng sen Đồng Tháp; Xây dựng vùng chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, mô hình sản xuất bền vững của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp.

Ý tưởng về xu hướng công nghiệp chế biến, phát triển sản phẩm mới từ sen trong nền kinh tế tuần hoàn, gắn với tăng trưởng xanh của TS. Phạm Minh Nhựt - Trường Đại học Công nghệ TP.HCM; Cơ hội hợp tác quốc tế trong ngành hàng sen và các giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu và tiếp cận khách hàng mới của ông Ngô Đình Dũng - Giám đốc Công ty tư vấn ISM; Tham luận về tiềm năng sen Đồng Tháp gắn với du lịch nông nghiệp trải nghiệm của GS.TS. Phan Thị Thu Hiền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM…

Theo Hiệp hội ngành hàng sen Đồng Tháp, sen là một trong 5 ngành hàng kinh tế chủ lực về tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Đến nay tất cả các bộ phận của sen đều được khai thác để chế biến thành các sản phẩm. Trong đó, lá sen (27 %), hạt sen (23%), hoa sen (22%) là 3 bộ phận được chế biến thành các sản phẩm nhiều nhất. Còn lại là các bộ phận như: gương sen, củ sen, thân sen, ngó sen được sử dụng còn hạn chế.

Cây sen cũng được khai thác nhiều trong ngành thực phẩm và đồ uống. Tiếp đến là ngành thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm trong các ngành khác như: dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, môi trường, quà lưu niệm… chưa đa dạng về sản phẩm. Một số sản phẩm chế biến sâu, khai thác tinh chất vẫn còn chưa được phát triển mạnh mà đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển và có giá trị gia tăng cao.

Nhiều sản phẩm mới đang được các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu theo tín hiệu của thị trường mang tính ứng dụng cao như: than hoạt tính từ gương sen, nhựa sinh học từ sợi thân sen hay tinh dầu sen, cao sen, sen dùng trong mỹ phẩm, dược phẩm… cần được nghiên cứu chuyên sâu, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận của UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận các đơn vị, sản phẩm OCOP đạt 4 và 5 sao.

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận của UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận các đơn vị, sản phẩm OCOP đạt 4 và 5 sao.

Ngoài ra, cây sen còn được khai thác tăng thêm giá trị trên một diện tích canh tác bởi mô hình sen - cá và 2 lúa 1 sen nhằm tận dụng lợi thế đặc điểm sinh trưởng của từng đối tượng tương hỗ, góp phần giảm chi phí và tăng chất lượng thành phẩm.

Song song đó, với xu hướng du lịch nông nghiệp trải nghiệm, tích hợp đa giá trị trên cánh đồng sen, hoạt động tự tham gia vào các quá trình sản xuất với người dân là một phần giúp gia tăng giá trị khai thác cho người trồng sen. Tuy nhiên, để mô hình này thành công cần có sự hợp tác giữa người dân và một số đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ để có những gói sản phẩm hấp dẫn và níu chân du khách trải nghiệm dài hơi hơn.

Huy Tự

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gia-tang-chuoi-gia-tri-nganh-hang-sen-dong-thap-trong-nen-kinh-te-tuan-hoan-tang-truong-xanh-d215457.html