Giá phân bón 'lập đỉnh' mới, nông dân lao đao

Từ đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phân bón gặp khó khăn, giá các loại phân bón liên tục tăng mạnh, 'lập đỉnh' vào giữa năm 2021. Đầu năm 2022, khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, cùng với giá xăng, dầu cao kỷ lục, kéo theo giá phân bón thêm một lần tăng mạnh, 'lập đỉnh' mới. Điều đáng nói, giá phân bón 'lập đỉnh' vào đúng thời điểm các địa phương đang bước vào vụ xuân, càng khiến nông dân đau đầu.

Người trồng chè bớt áp lực hơn so với trồng chuối, dứa trong thời điểm giá phân bón tăng cao.

Theo khảo sát của phóng viên, tại thị trường Lào Cai, giá các mặt hàng phân bón tăng cao nhất từ trước đến nay. Theo ông Dương Văn Thuần, chủ một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Bảo Nhai (Bắc Hà), giá phân lân NPK 10.5.5 đang ở mức 7.500 đồng/kg (tăng 3.500 đồng/kg so với cùng kỳ), giá đạm urê là 18.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ). Giá phân bón tăng nên sức mua giảm mạnh, nhiều hộ mua phân bón để bón ngô, lúa vụ xuân với lượng chỉ bằng 1/2 so với năm trước.

Giá phân bón tăng mạnh đặt sức ép lên nông dân do chi phí đầu vào trong sản xuất cũng tăng mạnh. Trong khi đó, giá các loại nông sản vẫn giữ tương đương so với cùng kỳ, thậm chí có mặt hàng giá bán giảm sâu, khiến hiệu quả sản xuất không cao hoặc bị lỗ.

Chịu ảnh hưởng lớn nhất trong đợt tăng giá này là nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, do lượng phân bón cần sử dụng mỗi mùa vụ là rất lớn. Tại Mường Khương, địa phương sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm với các vùng trồng chuối, dứa, chè lớn nhất toàn tỉnh, nông dân đang đối mặt với một mùa vụ đầy khó khăn.

Mỗi năm, người dân địa phương này sử dụng khoảng 100.000 tấn phân bón các loại; trong đó, diện tích sản xuất ngô, lúa (đảm bảo an ninh lương thực) cũng chịu ảnh hưởng nhưng không lớn như sản xuất chè, chuối dứa.

Chị Vương Thị Thư, thôn Cốc Cái, xã Lùng Vai tâm tư: Năm trước, giá phân bón là 4.000 đồng/kg, giá chè búp tươi bán ra được 6.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, giá chè bán ra vẫn giữ nguyên, trong khi giá phân bón tăng lên 7.500 đồng/kg. Do vậy, tôi buộc phải giảm lượng phân bón để giảm chi phí đầu vào sản xuất.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, trung bình mỗi ha chè cần bón 4 tấn phân lân và 1 tấn phân đạm. Cùng kỳ năm 2021, nếu năng suất chè đạt 15 tấn/ha, người dân sẽ có thu nhập gần 60 triệu đồng. Năm 2022, với giá phân bón cao như thời điểm hiện tại, mỗi ha chè sẽ chỉ đem lại lợi nhuận khoảng 38 triệu đồng.

Giá phân bón tăng, chỉ có cây chè vẫn đảm bảo đem lại thu nhập cho người dân do thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định. Đối với sản phẩm chuối, dứa, giá sản phẩm đầu ra bấp bênh, thậm chí giá bán giảm mạnh, người dân đang đối mặt với nguy cơ chịu lỗ lớn.

Giá phân bón tăng cao, người trồng chuối gặp khó.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Giá phân bón tăng là tình trạng chung và là tình huống bất khả kháng. Việc tăng giá ảnh hưởng rất lớn đến nông dân, đặc biệt là các vùng sản xuất chuyên canh. Trước tình hình đó, chúng tôi khuyến khích người dân tận dụng các loại phân bón hữu cơ, giảm sử dụng phân bón vô cơ. Ngoài ra, người dân nên tham gia các tổ hợp tác hoặc liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tận dụng ưu thế khi mua chung với sản lượng lớn để có giá tốt hơn so với mua qua trung gian. Khi tham gia liên kết, người dân có thể mua vật tư nông nghiệp trả chậm, trả bằng sản phẩm khi đã thu hoạch, giúp giảm phần nào áp lực chi phí đầu tư cho sản xuất.

Tương tự, tại các địa phương khác, nông dân đang bước vào giai đoạn cao điểm sản xuất vụ xuân. Giá phân bón tăng mạnh đã tạo áp lực lớn cho sản xuất nông nghiệp, các loại cây trồng sẽ giảm hiệu quả kinh tế khi chi phí đầu tư quá cao. Nhiều người đã lựa chọn phương án giảm lượng phân bón, kéo theo nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng các loại cây trồng. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, tăng cường ứng dụng các phương pháp canh tác phù hợp để tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn người dân tự ủ các loại phân bón hữu cơ, vi sinh bón cho các loại cây trồng.

Bà con có thể tham khảo các phương pháp ủ phân hữu cơ như ủ nổi hoặc ủ chìm đối với phân chuồng, phân bắc, ủ kết hợp với một trong các loại phân, sản phẩm vi sinh; ủ phân xanh với phân men là phân chuồng tươi, chế phẩm vi sinh và các loại thân, lá cây xanh…

Bà con cần sử dụng một trong các loại phân, chế phẩm vi sinh: Phân vi sinh Sông Gianh tỷ lệ 3% - 5%, chế phẩm EM, Penac PR hoặc Bio-Plant… để ủ phân với khoảng thời gian từ 40 đến 60 ngày.

Các loại phân hữu cơ, vi sinh khi ủ đạt yêu cầu, phân tơi xốp, có màu nâu đen không còn mùi hôi thì đem bón trực tiếp cho cây trồng với lượng 5 - 10 tạ/sào Bắc Bộ, có thể dùng bón lót hoặc bón thúc đều rất tốt…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/354161-gia-phan-bon-lap-dinh-moi-nong-dan-lao-dao