Giá nhân công rẻ chỉ bằng 1/10 so với trong nước, dệt may Trung Quốc đổ bộ vào Triều Tiên

Nhiều công ty dệt may và thương nhân Trung Quốc ở thành phố Đan Đông đang tăng cường tận dụng nhân công giá rẻ tại các nhà máy ở Triều Tiên.

Quần áo sản xuất tại Triều Tiên gắn nhãn "Made in China" được xuất khẩu ra toàn thế giới. Các công ty có thể tiết kiệm tới 75% chi phí khi sản xuất quần áo tại Triều Tiên, một thương gia sống tại Bình Nhưỡng cho hay. Mức lương mà công nhân Triều Tiên được hưởng hiện thấp hơn nhiều so với một số quốc gia châu Á khác. Điển hình như công nhân làm việc tại khu công nghiệp Kaesong chỉ nhận được mức lương 75-160 USD/tháng so với 450-750 USD/tháng mà công nhân Trung Quốc nhận được. Trong khi đó, một doanh nhân ngành may mặc cho biết số lượng quần áo mà công nhân Triều Tiên may được cao hơn 30% so với công nhân Trung Quốc.

"Mức lương người Trung Quốc đang được nhận là quá cao, đó là lý do tại sao rất nhiều đơn hàng được gửi sang Triều Tiên".

Quần áo sau khi được may xong ở Triều Tiên sẽ được chuyển trực tiếp sang các cảng của Trung Quốc rồi phân phối ra toàn thế giới.

Việc sử dụng lao động Triều Tiên để sản xuất quần áo giá rẻ bán ra toàn thế giới cho thấy rằng mỗi khi một cánh cửa của nước này bị đóng lại bởi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc thì một cánh cửa khác lại mở ra. Trước đó Liên Hợp Quốc đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì nước này đã triển khai các chương trình tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt này không bao gồm lệnh cấm xuất khẩu hàng may mặc.

Một doanh nhân ngành may mặc thành phố Đan Đông cho biết "Chúng tôi nhận đơn hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới". Đan Đông là thành phố sát biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Hàng chục công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc khác tại Đan Đông đóng vai trò như nhà môi giới giữa các công ty cung cấp quần áo của Trung Quốc và khách hàng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga, vị doanh nhân này cho hay. "Một điều khá nhạy cảm là đôi lúc khách hàng nhận ra rằng quần áo mà họ đã mua được sản xuất từ Triều Tiên".

Hãng quần áo thể thao Australia Rip Curl từng phải xin lỗi khách hàng năm ngoái khi phát hiện một số sản phẩm của họ gán nhãn "Made in China" (sản xuất tại Trung Quốc) nhưng thực chất lại sản xuất ở nhà máy Triều Tiên.

Kim ngạch xuất khẩu quần áo của Triều Tiên trong năm 2016 đứng thứ 2 sau than trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu của nước này, ở mức 752 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Triều Tiên năm ngoái tăng 4,6% lên mức 2,82 tỷ USD.

Lệnh trừng phạt mới nhất từ Liên Hợp Quốc được ban hành từ đầu tháng 8 tiếp tục đưa xuất khẩu than của nước này vào "sách cấm".

Nhìn vào sự nở rộ của ngành dệt may Triều Tiên có thể thấy quốc gia này đã nỗ lực thế nào trong việc thích ứng với lệnh trừng phạt áp dụng từ năm 2006 khi Triều Tiên lần đầu tiên thử nghiệm hạt nhân. Ngành công nghiệp dệt may cũng thể hiện một khía cạnh khác mà nền kinh tế Triều Tiên đang phải phụ thuộc vào Trung Quốc, ngay cả khi tổng thống Donald Trump liên tục hối thúc cường quốc lớn thứ 2 thế giới cần mạnh tay hơn nữa đối với các chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên tăng gần 30% lên 1,67 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu là do tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu dệt may và các mặt hàng sử dùng nhiều lao động truyền thống.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/gia-nhan-cong-re-chi-bang-1-10-so-voi-trong-nuoc-det-may-trung-quoc-do-bo-vao-trieu-tien-2017081406349293p4c150.news