Giả mạo kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt: Có thể chịu án mức tù lên đến 20 năm

Thường xuyên xảy ra những đối tượng giả mạo, kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản. Theo các luật sư, hành vi này ngoài việc bị xử phạt hành chính còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự với mức án tù lên đến 20 năm, thậm chí là chung thân.

Đối tượng Phan Thị Quyên nghe lệnh khởi tố. Ảnh: CQCA

Truy tố cặp vợ chồng giả mạo kêu gọi từ thiện

Chiều 10/11, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Thị Quyên và chồng là Nguyễn Linh Đoan (cùng trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) về hành vi sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, Quyên đã cùng chồng tạo lập các tài khoản Facebook ảo, tìm kiếm các bài viết chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn và sao chép các bài viết đó về, thêm nội dung các số tài khoản ngân hàng cá nhân của mình rồi đăng tải lên các hội nhóm công khai trên mạng xã hội Facebook để nhận tiền quyên góp của những người hảo tâm.

Cơ quan điều tra xác định, số tiền Quyên và Đoan đã chiếm đoạt là hơn 91 triệu đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, 2 vợ chồng này đã sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà xác định, hành vi của Quyên đã đủ yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Cùng với việc khởi tố bị can, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà cũng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phan Thị Quyên để phục vụ quá trình điều tra làm rõ. Riêng đối tượng Nguyễn Linh Đoan do đã bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà kêu gọi Đoan sớm ra trình diện để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Lợi dụng lòng trắc ẩn, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt ta là những hành động đáng lên án. Tiếc thay, những vụ việc giả mạo để kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản thường xuyên được các đối tượng sử dụng trong mọi dịp.

Trước đó, trong vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã xuất hiện những đối tượng có dấu hiệu lừa đảo tài sản bằng phương thức kêu gọi từ thiện ủng hộ nạn nhân vụ cháy…

Theo đó, trong quá trình rà soát để tránh các đối tượng trục lợi trong vụ kêu gọi từ thiện từ vụ cháy, lực lượng chức năng phát hiện chủ tài khoản mạng xã hội là cặp vợ chồng Ng.Q.T (SN 1999) và Ng.T.H (SN 1999, trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra, cảnh sát xác định vợ chồng T và H hiện đang kinh doanh online mặt hàng giày dép trên mạng xã hội Facebook, sử dụng tài khoản mang tên "Hoài Thu" để đăng bài bán hàng.

Sau khi xảy ra vụ cháy chung cư, T. đã dùng tài khoản Facebook "Hoài Thu"lợi dụng việc này để mọi người trong nhóm quyên góp tiền vào tài khoản của mình rồi chiếm đoạt.

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu được biết nhiều nạn nhân đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, nên T đã sao chép lại bài viết trên. Cùng với đó, T cũng lên mạng xã hội lấy hình ảnh một người phụ nữ mặc áo sơ mi trắng đặt ảnh đại diện cho tài khoản Facebook "Hoài Thu" và dùng tài khoản này đăng bài kêu gọi từ thiện đã được chỉnh sửa thành số tài khoản của mình.

Sau khi đăng bài, T cũng chưa nhận được bất kỳ khoản tiền ủng hộ nào. Đến ngày 16/9, khi H vợ của T. truy cập vào Facebook, thấy chồng giả mạo bác sĩ để kêu gọi từ thiện, biết là vi phạm pháp luật nên đã xóa bài đăng trên.

Các đối tượng có thể bị truy tố mức án kịch khung là chung thân

Về tình huống trên, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Công ty Luật TNHH H-Trung Lương cho biết, để đảm bảo tính công khai, minh bạch khi cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ đã có những quy định cụ thể.

“Khi vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (với tiền), địa điểm tiếp nhận (với hiện vật), thời gian cam kết phân phối; đồng thời, người vận động gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú thông báo về nội dung này; cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp; bố trí địa điểm tiếp nhận, bảo quản hiện vật đóng góp; có biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật tiếp nhận được nếu người đóng góp yêu cầu và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết; có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện; cá nhân vận động quyên góp thông báo đến địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, nhóm người cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ…” - luật sư Hùng nói.

Ngoài ra, cá nhân đứng ra vận động cứu trợ phải tự chi trả toàn bộ các chi phí liên quan, như chi phí tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp... Trường hợp tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân vận động được trích kinh phí từ nguồn vận động được nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này…

Trong các trường hợp nêu trên, các đối tượng có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản…”, sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu toàn bộ số tiền đã kêu gọi, quyên góp được.

Còn nếu hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, cần xác định “hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện” có trước hay sau việc kêu gọi từ thiện. Mức phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.

Người mạo danh kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt còn có thể bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gia-mao-keu-goi-tu-thien-de-chiem-doat-co-the-chiu-an-muc-tu-len-den-20-nam-360278.html