Giá lúa gạo tăng kỷ lục, chuyên gia cảnh báo 'đừng ngộ nhận'

'Giá cả thị trường sẽ thay đổi theo thời gian, do vậy không nên ngộ nhận rằng lúa gạo đã thiết lập mặt bằng giá mới với giá cao ngất ngưởng', chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến cáo.

Giá lúa gạo tăng cao chưa từng có trong hàng chục năm

Thời gian qua, Ấn Độ cùng một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao kéo theo giá gạo trong nước biến động. Hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên hơn 600 USD/tấn, mức giá chưa từng có sau hàng chục năm.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 660.738 tấn gạo, kim ngạch 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, với giá lúa gạo tăng chưa từng có trong lịch sử, Việt Nam có cơ hội rất lớn bởi là thị trường xuất khẩu lúa gạo lớn của thế giới. Đáng mừng nhưng nên mừng vừa phải thôi. Giá lúa gạo cao, một phần do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, nhưng lý do khác vì giá lương thực thế giới trong mấy năm gần đây khá chao đảo, có xu hướng tăng. Xu hướng này có thể kéo dài vài năm nhưng không có nghĩa là tăng trong dài hạn.

Giá lúa gạo thế giới tăng cao kỷ lục là cơ hội hiếm có của Việt Nam - một nước xuất khẩu lúa gạo lớn của thế giới.

"Giá cả thị trường sẽ thay đổi theo thời gian, do vậy không nên ngộ nhận rằng lúa gạo đã thiết lập mặt bằng giá mới với giá cao ngất ngưởng. Đừng vì thế mà chạy theo sản lượng phục vụ thị trường mà quên đi chất lượng và giá trị gia tăng của ngành lúa gạo", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Thêm nữa là cần tiếp tục cố gắng cải thiện ngành lúa gạo. Không phải tất cả các loại gạo của Việt Nam đều được xuất khẩu với giá cao. Hơn nữa những thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất lại thường không có nhu cầu tiêu thụ gạo cao cấp nhiều, cho nên có gạo chất lượng cao nhưng sẽ không bán được nhiều như biến động giá tăng của thị trường. Thị trường lúa gạo cũng giống các thị trường khác, có thể lên xuống mà không lường được.

GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo cho biết, khi giá gạo xuất khẩu tăng thì người nông dân cũng phải bán lúa ở mức giá cao hơn. Cần chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm, nông dân tự lo sản xuất, thương lái gom theo kiểu thương lái, doanh nghiệp ngồi chờ có đơn hàng rồi kêu thương lái thu gom. Phải chuyển sang mô hình liên kết, sản xuất theo đơn đặt hàng. Để ổn định, doanh nghiệp cần ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn với đối tác nhập khẩu. Ví dụ, ký các hợp đồng tương lai, xác định giá gạo tương lai. Trong các hợp đồng tương lai, có những điều khoản điều chỉnh giá lên xuống. Nếu có biến động, hai bên ngồi lại thỏa thuận để tránh bị thiệt hại.

Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà cho cả người nông dân. Bởi, nông dân sẽ hợp tác sản xuất, liên kết thành chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có nguồn để xuất khẩu. Ở đây, vai trò của nhà nước là giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu. Quan trọng là nông dân cần phải đổi mới. Họ phải vào hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp chứ không thể "chơi" với thương lái như trước, rất bấp bênh.

Gạo Việt cần tập trung vào chất lượng

GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, giá lúa gạo tăng kỷ lục là một cơ hội hiếm có đối với nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên đi đôi với cơ hội là những thách thức với gạo Việt Nam. Thị trường EU đòi hỏi cao về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm… nên chất lượng vẫn là yếu tố then chốt cho xuất khẩu gạo. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu, như giống gạo ST25 ngon nhất thế giới để "định vị" các sản phẩm gạo Việt Nam. Cùng với đó, cần xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cho xuất khẩu. Khi nhu cầu tiêu dùng tập trung vào phân khúc chất lượng thấp như trước đây, thì việc ưu tiên sản lượng cao để giải quyết vấn đề đói kém là tất yếu. Khi đó, gạo Việt Nam bán ra số lượng nhiều, nhưng tiền thu về không bao nhiêu.

Chuyên gia phân tích, với bối cảnh thị trường đã có những đòi hỏi mới, kể cả người tiêu dùng trong nước cũng có nhu cầu cao hơn khi sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để mua gạo có chất lượng từ Thái Lan, Đài Loan. Bình quân lượng gạo tiêu thụ của người tiêu dùng trên thế giới đang và sẽ tiếp tục giảm, nhưng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, dinh dưỡng.

Do vậy để phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra giá trị cao, việc điều chỉnh giảm "lượng" tăng "chất" là chiến lược phù hợp. Bởi lẽ, diện tích sản xuất lúa ở vùng trọng điểm của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự thay đổi, từ sản xuất 3 vụ giảm xuống còn 2 vụ hoặc từ 2 vụ xuống còn 1 vụ.

"Thậm chí, có một phần khá lớn diện tích sản xuất lúa đã được nông dân chuyển sang cây ăn trái như: tỉnh Vĩnh Long nông dân chuyển sang trồng cam sành, mít; Tiền Giang chuyển sang trồng mít, sầu riêng hay cả Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp… cũng chuyển đổi rất lớn" khiến diện tích lúa bị thu hep rất nhiều. Do đó, chúng ta không thể giữ tư duy như ngày xưa, tức lấy số lượng để mang về nhiều kim ngạch hơn.

Để nâng cao chất lượng lúa gạo Việt Nam, bên cạnh phải có giống mới đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì quy trình sản xuất phải theo hướng an toàn, hướng hữu cơ. Để làm được việc này, thì phải đầu tư về khoa học kỹ thuật, đầu tư chất xám, có liên kết, chứ bỏ nông dân tự bơi trên mảnh đất của họ, thì không có cách nào xoay chuyển được.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết, bài học từ Thái Lan chúng ta có thể thấy, Thái Lan là nước đứng đầu về xuất khẩu gạo ổn định trong nhiều năm. Họ có thị trường ổn định và trung thành. Họ coi gạo là nguyên liệu cho nhiều ngành, chế biến thành nhiều sản phẩm từ gạo chứ không phải là hàng tiêu dùng cuối cùng. Vì thế điều hành thị trường xuất khẩu gạo cần quan tâm đa dạng hóa thị trường, chọn lọc khách hàng và xác định thị trường để xuất khẩu.

Theo chuyên gia, dù xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua song cũng cần nhận định sát tình hình hạn chế những rủi ro của thị trường xuất khẩu: Diễn biến thất thường của thời tiết rồi hiện tượng El Nino và cái này không chỉ ảnh hưởng của Việt Nam không mà các quốc gia có thể kéo dài cho đến năm sau. Việc dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng có thể dừng đến năm sau. Cho nên vấn đề quản lý sản xuất cương quyết để mà định hướng trong sản xuất và xuất khẩu.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn, cao nhất trong 10 năm, đạt giá trị 3,45 tỷ USD. Ước tính, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, biến động giá gạo xuất khẩu đang tác động tới giá lúa, gạo tiêu dùng trong nước. Cụ thể, từ ngày 20/7 đến 3/8, giá lúa trung bình tại ruộng tăng 518 đồng/kg, lên mức 7.214 đồng/kg; lúa tại kho tăng gần 700 đồng/kg, đạt 8.729 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh 2.101 đồng/kg, lên 13.638 đồng/kg; gạo 5% tấm cũng vọt lên mức 13.650 đồng/kg, tăng 2.100 đồng/kg; gạo 15% và 25% tấm lần lượt đạt mức 13.350 đồng/kg và 13.075 đồng/kg, tăng 2.042 đồng/kg và 2.009 đồng/kg.

Bé Trai Không Ăn Đồ Kẻ Bắt Cóc Đưa Và Những Kỹ Năng Cần Trang Bị Cho Con Trẻ Khỏi Người Lạ | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gia-lua-gao-tang-ky-luc-chuyen-gia-canh-bao-dung-ngo-nhan-16923081810542692.htm