Giả làm người tàn tật lết trên cầu Bình Triệu bán vé số: Em sai rồi!

Hơn 3 tháng nay, nhiều người đi qua cầu Bình Triệu hướng từ Q.Thủ Đức về Q.Bình Thạnh (TP.HCM) thấy xót xa trước hoàn cảnh một người thanh niên lết trên cầu giữa trời nắng bán vé số.

T. giả tàn tật bán vé số trêm cầu Bình Triệu (TP.HCM)

Thấy tội nghiệp, nhiều người bất chấp nguy hiểm dừng xe trên cầu mua giúp vé số, cho thêm tiền.

Thế nhưng, trưa 15.9, từ tin báo người dân, Công an P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) đã kiểm tra hành chính và phát hiện người này hoàn toàn khỏe mạnh, chân tay lành lặn. Tại cơ quan công an, người thanh niên này được xác định N.M.T (30 tuổi, quê H.Phú Hòa, Phú Yên).

Thân hình gầy guột, da cháy nắng, khoác bộ quần áo cũ kỹ, rách bươm, ngồi trong một góc trụ sở Công an P.Hiệp Bình Chánh, T. buồn thiu. “Em xấu hổ quá anh à, em sai rồi!”.

T. kể mình bỏ học từ năm lớp 2, chủ yếu theo cha mẹ lên núi chặt cây, đốt than. Năm này qua tháng nọ, T. lớn lên, tiếp nối công việc gia đình. 10 năm trở lại đây, nghề đốt than cũng tàn vì... rừng hết cây, T. theo bạn vào Sài Gòn bán vé số. Bị lừa, bị cướp vé số nhiều lần, T. bỏ Sài Gòn về quê. Ở quê lại không có việc làm, không nuôi được bản thân, T. vào lại Sài Gòn, tiếp tục đi bán vé số.

Thấy nhiều người khuyết tật bán vé số nhiều hơn những người bình thường nên T. cũng "tầm sư" học chiêu giả tàn tật, lê lết trên đường, "mua" sự thương cảm.

T. làm việc tại công an P.Hiệp Bình Chánh

Hơn 3 tháng nay, 10 giờ sáng mỗi ngày, T. đón xe đi từ nhà trọ trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) xuống khu vực cầu Bình Triệu, hướng từ P.Hiệp Bình Chánh về Bến xe Miền Đông, để hành nghề. Đồ nghề mang theo là túi xách nhỏ đựng vé số, tiền, áo sơ mi dài tay đã cũ nát. T. mặc thêm chiếc quần dài để che đôi chân lành lặn của mình, lồng hai miếng nhựa vào tay để khi lết trên đường không bị nóng.

Hai chân thả thõng sát mặt đường như một người tàn tật, hai tay chống xuống đường, T. nhẫn nại lết từ chân cầu Bình Triệu, lên dốc cầu và đổ về hướng bến xe Miền Đông. Lê được hai nhịp, T. dừng lại, ngoái đầu ra phía sau nhìn người đi đường, khuôn mặt đau khổ cùng cực.

Chứng kiến cảnh này, nhiều người cầm lòng không đặng, đã đứng lại mua vé số và cho thêm tiền giúp đỡ. T. "diễn" từ 10 giờ trưa đến 2 - 3 giờ chiều mỗi ngày cũng bán được hơn 200 tờ vé số, còn được mọi người cho thêm một ít tiền.

T. giải thích vì thời điểm trên là thời điểm nắng nóng nhất, bò lên dốc cầu để mọi người thương tình, mua vé số. Hỏi T. có nghĩ tới chuyện lợi dụng lòng tốt của người ta như vậy là sai, là ảnh hưởng đến những người tàn tật chỉ muốn tự mình lao động kiếm sống không? sau phút im lặng, T. khóc: “Em biết làm vậy là sai. Em sai rồi….”.

"Sai sao vẫn làm?". T. bảo “em nghèo quá, lại mang nhiều bệnh trong người không đi làm nghề nặng nhọc được” T. đáp lại.

Nghe tin chồng bị đưa về trụ sở công an, chị P. (vợ của T.) tất tả bỏ công việc phụ hồ, đón xe ôm từ Q.11 đến P.Hiệp Bình Chánh bảo lãnh cho chồng.

Chị P. cho biết mỗi ngày chồng đi bán vé số từ 10 giờ sáng đến 2 - 3 giờ chiều về tới nhà đưa vợ được 200 - 300 nghìn đồng. Việc giả tàn tật lết trên đường để bán vé số, T. làm hơn 3 tháng qua.

Sau khi cho viết cam kết không tái phạm nữa, T. được công an cho về. Chúng tôi nhìn theo hai vợ chồng dắt nhau rời khỏi trụ sở công an, bỗng dưng thấy trống rỗng...

Công Nguyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/gia-lam-nguoi-tan-tat-let-tren-cau-binh-trieu-ban-ve-so-em-sai-roi-876327.html