Gia Lâm: Nâng cao đời sống tinh thần của người lao động qua Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Cùng với quan tâm chăm lo việc làm, thu nhập, đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động, trong những năm qua Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm cũng luôn coi công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn, trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, LĐLĐ huyện đã nhận được sự quan tâm ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp đối với việc xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Theo đó, năm 2009, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đầu tiên được xây dựng tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam. Tới nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm đã có 6 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được thành lập.

Cùng với tuyên truyền, vận động thành lập được Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, hàng năm, LĐLĐ huyện đề nghị LĐLĐ Thành phố và chủ doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bổ sung thêm cơ sở vật chất cho các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Tiêu biểu như Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH Điện Stanley.

Từ kinh phí đầu tư 6 tỷ đồng lúc ban đầu, qua việc bổ sung thêm cơ sở vật chất hàng năm, tính đến thời điểm này, tổng giá trị đầu tư cho Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam lên đến gần 20 tỷ đồng; Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty cổ phần môi trường đô thị Gia Lâm; Công ty cổ phần Hãng sơn Đông Á cũng được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất hàng năm với kinh phí hàng trăm triệu đồng...

Nhằm khai thác hiệu quả Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã hướng dẫn Công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, hội họp, sinh hoạt công đoàn cơ sở, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết xã hội, đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động thông qua việc đọc báo, xem tivi, bảng tin, sinh hoạt văn nghệ, các hoạt động thể thao, nơi sinh hoạt công đoàn cơ sở.

Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty cổ phần Hãng Sơn Đông Á.

Cùng với đó, các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân còn là nơi Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức các cuộc đối thoại giữa công nhân lao động với giám đốc doanh nghiệp và các cơ quan chức năng…

Đặc biệt, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân còn là nơi để các đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, đồng thời đây cũng là nơi để Công đoàn cơ sở tổ chức các hội thi cũng như các hoạt động khác như: chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật “Hát cho công nhân nghe - Nghe công nhân hát”, chiếu phim miễn phí phục vụ công nhân lao động...

“Nhìn chung, hoạt động tại các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã thu hút đông đảo công nhân lao động hưởng ứng tham gia, giúp cho công nhân lao động có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, có cơ hội được cập nhật những văn bản pháp luật mới có liên quan trực tiếp đến người lao động để tự bảo vệ mình cũng như doanh nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân lao động, đoàn viên công đoàn” - ông Nguyễn Đức Thể khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Đức Thể cho biết, sau một thời gian dài hoạt động, một số Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cũng bộc lộ một số khó khăn, tồn tại như: Chưa thu hút được sự tham gia của đông đảo công nhân lao động, đặc biệt là công nhân nữ trong các hoạt động thể thao, giải trí; cơ sở vật chất còn rất hạn chế, xuống cấp theo thời gian, thiết bị tập luyện thể dục thể thao chưa đồng bộ... Bên cạnh đó, công tác quản lý điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cũng còn nhiều bất cập, thiếu cán bộ có chuyên môn về quản lý văn hóa, thiếu kinh phí duy trì hoạt động.

Để mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân phát huy tối đa hiệu quả hoạt động, từ thực tiễn hoạt động, lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm đã đề xuất kiến nghị một số vấn đề. Trước hết, các cấp Công đoàn cần xây dựng Quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng; thường xuyên nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để thu hút công nhân lao động; đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí, nhân lực để duy trì lâu dài hoạt động của các Điểm sinh hoạt văn hóa; xây dựng quy chế giúp công nhân lao động tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa có nền nếp, đạt hiệu quả cao trong việc nâng cao đời sống tinh thần, góp phần hạn chế, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội trong công nhân lao động, nhất là đối với công nhân lao động trẻ.

Cùng với đó, LĐLĐ Thành phố tiếp tục có cơ chế mở rộng đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị phục vụ hoạt động tập luyện thể dục thể thao đồng bộ, tăng thêm số lượng máy tính phục vụ nhu cầu truy cập internet của công nhân…; có cơ chế chi hỗ trợ cho cán bộ phụ trách Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Tại các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cũng cần đổi mới, dạng hóa các hoạt động như: Tổ chức các buổi hội thảo về chăm sóc sức khỏe gia đình, nuôi dạy con trong thời đại công nghệ thông tin; định kỳ tổ chức các giải đấu thể thao như giải bóng đá, giải bóng bàn… chú ý tới tính đa dạng và hấp dẫn của phong trào tạo sân chơi thu hút đông đảo các đoàn viên hưởng ứng tham gia.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gia-lam-nang-cao-doi-song-tinh-than-cua-nguoi-lao-dong-qua-diem-sinh-hoat-van-hoa-cong-nhan-163758.html