Gia Lai lo ngại khô hạn kéo dài

Mùa khô năm nay ở tỉnh Gia Lai sẽ khắc nghiệt hơn so với trung bình nhiều năm, nền nhiệt cao hơn từ 0,8 đến 1,3 độ C, lượng mưa thâm hụt 10-25%, mùa mưa đến chậm hơn 15-20 ngày so với những năm trước.

Người dân nhiều nơi ở Gia Lai phải đào hố mới có nước để tưới cây

Ngày 17/4, ông Nguyễn Văn Huấn - Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho biết, mùa khô năm nay ở tỉnh Gia Lai sẽ khắc nghiệt hơn so với trung bình nhiều năm, nền nhiệt cao hơn từ 0,8 đến 1,3 độ C, lượng mưa thâm hụt 10-25%, mùa mưa đến chậm hơn 15-20 ngày so với những năm trước.

Đáng nói, theo ông Huấn, nền nhiệt độ những tháng tới ở Gia Lai nhiều khả năng vượt ngưỡng lịch sử năm 2020 (như tại thị xã Ayun Pa 41,5 độ C, thị xã An Khê 40 độ C) sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, từ nay đến giữa tháng 5, trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ xuất hiện 3-5 đợt nắng nóng kéo dài. Trong tháng 5 dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa giông, lốc, sét, gió giật mạnh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tính mạng người dân.

“Nhiều khả năng trong tháng 6 và 7 số ngày mưa sẽ bị gián đoạn nên khả năng thiếu nước tưới cho cây trồng trong những tháng đầu mùa mưa rất lớn. Bởi vậy, các ngành, địa phương, đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện cần xây dựng phương án cân đối nguồn nước để tích trữ, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo cung ứng điện sinh hoạt, sản xuất”, ông Huấn nói.

Người dân xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông khơi mương lấy nước

Trong khi đó, báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai cho thấy, trong 16 hồ chứa mà công ty quản lý có 12 hồ đạt từ 11,68% đến 44,35% dung tích thiết kế; 4 hồ chứa còn lại đạt từ 64,45% đến 94,87% dung tích thiết kế.

Ngoài ra, đối với 18 đập dâng cũng do công ty quản lý có 5 đập dâng còn lại (An Phú, Ia Vê, Plei Wâu, An Mỹ, Ia Lâu) mực nước đã cạn; 13 đập dâng có mực nước trước cổng 0,28-1,6 m, đảm bảo tưới.

Ông Nguyễn Năng Dũng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai cho hay, một số công trình đập dâng thường xảy ra thiếu nước cuối vụ (từ giữa tháng 3 hoặc đầu tháng 4 hàng năm) do dòng chảy đến công trình suy giảm, diện tích canh tác thượng lưu quá lớn so với nhu cầu.

Ông Dũng cho rằng, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài có thể xảy ra hạn cuối vụ đối với cây công nghiệp dài ngày (cà phê, hồ tiêu). Riêng đối với một số đập dâng cạn nước như: đập dâng An Phú và Plei Wâu, công ty dự kiến đưa nước từ đập dâng Ia Lôm và Ia Zĩ về để phục vụ người dân sản xuất.

Tiền Lê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gia-lai-lo-ngai-kho-han-keo-dai-post1629621.tpo