Gia Lai: Khi 9x làm phó chủ tịch xã

Họ là các cô, cậu sinh viên trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND tại các xã vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn.

Vị phó chủ tịch Lê Văn Quang hướng dẫn người dân triển khai mô hình trồng sâm đá trên ốc đảo Kon Pne

Đề án 03 do Tỉnh ủy Gia Lai triển khai từ năm 2009 nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên tốt nghiệp đại học được về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa. Sau hơn 8 năm thực hiện, họ đã trở thành lớp cán bộ có chất lượng, là nguồn động lực tác động toàn diện đến cách nghĩ, cách làm, cách tiếp cận khoa học – công nghệ vào trong sản xuất. Không chùn bước trước khó khăn, chủ động tham mưu, đề xuất triển khai nhiều mô hình, đề án phát triển kinh tế - xã hội… đem lại làn gió mới cho phát triển kinh tế của hộ dân người đồng bào thiểu số. Các cô, cậu sinh viên nay đã trở thành những cán bộ chủ chốt cho chính quyền cấp xã, ở vùng sâu, vùng xa.

Bà con đồng bào phấn khởi thay đổi cách nghĩ, cách làm

Anh Lê Văn Quang, sau khi tốt nghiệp ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, ngành Phát triển Nông thôn-Khuyến nông, năm 2010 được chọn theo đề án 03 của Tỉnh ủy, anh Quang về nhận nhiệm vụ tại xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai nằm cách khá xa trung tâm huyện.

“Tôi khởi hành từ huyện lúc 8 giờ sáng, nhưng mãi đến hơn 4 giờ chiều mới đến được xã. Lúc đó Kon Pne còn là một “ốc đảo”, muốn đi vào xã phải men theo những dãy núi dài hơn 80km, Một bên thì vách núi cheo leo, bên là vực sâu rất nguy hiểm. Qua một ngày gian nan tôi cũng đến được xã. Nhưng khung cảnh trước mắt tôi rất hoang vắng, bốn bề là rừng núi, điều này càng khiến tôi bối rối với quyết định ban đầu của mình” - anh Quang nhớ lại ngày đầu lên đường nhận nhiệm vụ.

Tuy nhiên, đó chưa phải là trở ngại lớn, nhiệt huyết cống hiến của chàng trai trẻ này lại thêm một lần nữa được đem ra thử thách. Khi gần 4 tháng, Quang không định hình được mình phải làm gì, không ai phân công nhiệm vụ. Thế nhưng, một luồng gió mới đến với chàng trai trẻ khi xã Kon Pne có Bí thư mới thì chuyên môn của Quang mới có “đất dụng võ”, khi được lãnh đạo tin tưởng và giao cho anh quản lý về ngành nông nghiệp. Từ những kiến thức ở trường kết hợp với những quan sát, tìm hiểu về khó khăn của bà con đồng bào trên ốc đảo Kon Pne, anh đã mạnh dạn đề xuất xây dựng mô hình phát triển cây bời lời đỏ. Từ vài ha, đến nay diện tích đã tăng lên đến 250 ha. Cũng vì giao thông đi lại khó khăn nên anh mở vườm ươm giống tại xã để cung cấp cho bà con trồng. Đồng thời, tận tình hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc và trị bệnh…

Chưa hết, với phong tục cũng như cách làm thủ công trong sản xuất của bà con đồng bào nơi đây khi trồng lúa dùng trâu dặm nát đất rồi mới trồng lúa, mỗi sào lúa lúc đó người dân chỉ thu được vài bao thốc, nhưng nay đã là 4 tạ. Chàng phó chủ tịch trẻ đã mạnh dạn sử dụng máy cày, thay cho việc dùng trâu dặm như trước đây nên nhờ vậy mà năng suất đã tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, anh Quang cũng là người đầu tiên đưa giống mì cao sản vào sản xuất nhằm giúp bà con có thêm nhiều nguồn thu nhập. Từ những diện tích đất hoang hóa nay đã phủ xanh hơn 100ha mì.

“Ngày xưa người dân ở đây còn đói, bây giờ thì không ai đói nữa mà nay chỉ lo sản xuất để nâng cao thu nhập. Cái khó trước là phải thay đổi từ tập quán canh tác lạc hậu của bà con, cũng chính vì vậy mà tôi đã cùng với những thanh niên trẻ trong làng đi đầu đưa các giống cây vào trồng. Từ đó người dân thấy hiệu quả thì mới làm theo…”-anh Quang chia sẻ.

Cùng nằm trong số 165 sinh viên thuộc dự án 03, Phan Nguyễn Vi Sa được Ban Quản lý dự án, phân công về nhận nhiệm vụ tại xã Kon Thụp, Mang Yang, Gia Lai, với vai trò là Phó Chủ tịch xã chia sẻ: “Tốt nghiệp ngành Nông nghiệp, thuộc ĐH Nông Lâm (TP.HCM). Sau khi ra trường tôi rất mong muốn được về phục vụ quê hương. Nghe về đề án 03 của Tỉnh ủy, nên năm 2010 tôi đăng kí và được trúng tuyển. Đầu năm 2016, tôi được phân về giữ chức Văn phòng ủy ban xã Đê Ar (huyện Mang Yang)."

Trong thời gian công tác tại xã Đê Ar, anh Sa đã mạnh dạn đề xuất cho lãnh đạo xây dựng các mô hình trồng lúa nước, xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu, nỗ lực giúp dân phát triển kinh tế, triển khai nhiều mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo. Đến cuối năm 2016, anh Sa được bầu làm phó chủ tịch xã Đê Ar. Chỉ hơn 3 năm, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã biết canh tác trồng cây lúa nước, biết trồng cây cà phê phải bỏ phân bón… Đến đầu năm 2017 này, anh Sa được điều về giữ chức Phó chủ tịch xã Kon Thục cùng với lãnh đạo chính quyền triển khai nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo bền vững.

Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai, từ năm 2009 đến năm 2014 đã tạo điều kiện cho 165 sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại 165 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cũng theo đó đã lựa chọn được nhiều cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt huyết như: Phan Nguyễn Vi Sa (hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Kon Thục, Mang Yang), Võ Thị Lại (Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun, Huyện Mang Yang); Đào Thị Minh (cán bộ Tỉnh đoàn Gia Lai); Lê Văn Quang (Phó chủ tịch xã Kon Pne, Kbang) và còn rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường ngày nào giờ đã được tuyển dụng vào công chức cấp xã, huyện. Họ là những cán bộ trẻ, có trình độ và năng lực, là nguồn nhân lực bổ sung, khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ có trình độ tại cơ sở, đồng thời góp phần vào việc củng cố, nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay.

Phạm Trọng Nghị

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/gia-lai-khi-9x-lam-pho-chu-tich-xa-d49832.html