Gia Lai: Gần 30 năm di dời, khu tái định cư vẫn 'loay hoay' trong cái nghèo

Sau gần 30 năm nhường đất để phục vụ xây dựng đại công trình Thủy điện Ia Ly, huyện Chư Păh (Gia Lai), đến nay cuộc sống của người dân 3 làng tái định cư vẫn loay hoay trong cái nghèo, cái khổ.

Nhiều chính sách thoát nghèo được địa phương đưa ra song đời sống của người dân vẫn không thể cải thiện.

Khu tái định cư “luẩn quẩn” trong nghèo đói

Cách trung tâm xã Ia Phí, huyện Chư Pah hơn 10km, 3 làng Kênh, Tum và Jut nằm lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi. 3 làng có khoảng 326 hộ dân với trên 1.400 nhân khẩu sinh sống. Trong đó, 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số Jrai. Hiện 3 làng này vẫn thuộc diện làng đặc biệt khó khăn của xã Ia Phí nói riêng và huyện Chư Păh nói chung.

Sau gần 30 năm di dời, 3 làng Tum, Kênh và Jút vẫn “loay hoay” trong cảnh nghèo đói, nhiều trẻ phải bỏ học giữa chừng.

Theo tìm hiểu của PV, trước đó (năm 1995) người dân 3 làng này đã nhường đất để phục vụ xây dựng đại công trình thủy điện Ia Ly và đã di dời lên theo diện tái định cư. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ xây dựng và cấp đất sản xuất cho người dân 3 làng để người dân có thể an cư, lập nghiệp. Thế nhưng, đời sống của người dân vẫn chưa thể khá hơn, vẫn loay hoay trong cái nghèo.

Theo số liệu từ UBND xã Ia Phí, 3 làng trên có khoảng 152 căn nhà đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập, đe dọa tính mạng của người dân. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, vật chất, đường xá đi lại còn khó khăn và xa trạm y tế, trường học nên đã ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số.

Ông Rơ Châm Thuyn - Thôn trưởng làng Tum (xã Ia Phí) thông tin: "Khi dân làng về nơi tái định cư thì bị thiếu đất sản xuất, cây trồng phụ thuộc nhiều vào thời tiết không đảm bảo năng suất. Dù có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân nhưng cũng chỉ là trong chốc lát. Nhà dân thì xuống cấp hết rồi, nắng nóng gió thốc, trời mưa thì nhà ướt".

Để tìm hiểu thực trạng trên, PV đã tìm đến căn nhà của ông Rơ Châm Vich (làng Tum, xã Ia Phí), một trong những hộ gia đình khó khăn của xã. Theo ghi nhận của PV, căn nhà chưa đầy 30m2 nhưng có đến 4 thế hệ với 9 nhân khẩu cùng chung sống.

Trò chuyện cùng PV, ông Vich kể lại: "Năm 1995, tôi nhường lại đất để làm thủy điện, sau đó cả gia đình chuyển đến làng Tum sinh sống. Từ khi về làng tái định cư ở, khó khăn nhiều lắm, cây trồng không hiệu quả. Để nuôi sống 9 miệng ăn, tôi chỉ biết trông chờ vào 3 sào rẫy cà phê. Nhà thì đông người, tiền hỗ trợ khi di cư cũng tiêu hết rồi nên mình không biết làm gì cả. Hiện nay, mình cũng mong muốn có thêm ít đất sản xuất để trồng nông nghiệp, nuôi sống cả gia đình”.

Những đứa con của ông Vich cũng không có việc làm ổn định, ai thuê làm gì đó. Chính vì vậy mà kinh tế gia đình vốn khó nay lại càng khó thêm.

Nhiều chính sách hỗ trợ vẫn không thể thoát nghèo

Được biết, những năm qua chính quyền địa phương đã ưu tiên hỗ trợ người dân 3 làng tái định cư bằng những chính sách cụ thể như: Đa dạng sinh kế, chăn nuôi bò, giống cây trồng vật nuôi, khuyến khích người dân đi lao động các tỉnh phía Nam.

Mặc dù, bà con đã được đền bù, được hưởng các chính sách của nhà nước nhưng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Đồng thời, chính quyền cũng đã tuyên truyền bà con dân làng thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí góp phần xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng vẫn không thể giúp người dân nơi đây thoát nghèo.

Ông Rơ Châm Laoh - Chủ tịch UBND xã Ia Phí cho biết: “Sau khi nhường đất để làm Thủy điện Ia Ly, người dân được hỗ trợ tiền và xây cất nhà ở tại khu tái định cư bây giờ. Tuy nhiên, do thổ nhưỡng cằn cỗi và khí hậu nắng nóng nên bà con chỉ trồng được cây ngắn ngày như lúa, mì… khiến cuộc sống bấp bênh.

Theo ông Rơ Châm Kiểu - Thôn trưởng làng Jút (xã Ia Phí) ở đây người dân chỉ biết trông chờ vào vụ mì nên cảnh thiếu đói vào mùa giáp hạt thường xuyên xảy ra.

Ông Nay Kiên - Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, cho biết: "Nhiều năm qua, huyện cũng đã tạo mọi điều kiện cho bà con tại 3 làng phát triển sản xuất bằng cách đưa các mô hình cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Tuy nhiên, bà con làng tái định cư vẫn khó khăn bởi thiếu tư liệu sản xuất, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

“Chính quyền địa phương mong rằng Tập đoàn EVN, Nhà máy Thủy điện nên có chính sách riêng cho làng tái định cư đang thiếu đất sản xuất để người dân phát triển kinh tế hơn. Đồng thời, các cấp bổ sung các nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội cho các làng tái định cư, ưu tiên cho địa bàn có các công trình thủy điện để huyện nâng cao đời sống của bà con".

Bài và ảnh: Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-gan-30-nam-di-doi-khu-tai-dinh-cu-van-loay-hoay-trong-cai-ngheo-post186536.html