Gia Lai: Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ di tích An Phú

Chiều 22-12, tại TP. Pleiku, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm khảo cổ học (Viện Khảo học-Xã hội vùng Nam Bộ) tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khai quật khảo cổ di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Dự hội nghị có PGS-TS Bùi Chí Hoàng-Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học-Xã hội vùng Nam Bộ; lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo UBND TP. Pleiku, xã An Phú; các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Ngọc

Di tích An Phú nằm cách trung tâm TP. Pleiku 7km về phía Đông, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như di tích Champa, tháp Phú Thọ, tháp Chăm Phú Thọ, tháp Chăm An Phú, Rong Yang (phiên âm theo cách gọi của đồng bào địa phương). Di tích được biết đến từ cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX bởi các học giả người Pháp như: nhà thám hiểm, dân tộc học Henry Maitre; nhà khảo cổ học M.Maspero; nhà Tây Nguyên học Jacques Dournes…

Quá trình phát hiện, nghiên cứu di tích khái quát qua 2 giai đoạn: trước 1975 và từ sau 1975 đến nay. Trong đó, năm 2022, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã có cuộc khảo sát và đào thăm dò để đánh giá hiện trạng, quy mô di tích, làm cơ sở xây dựng kế hoạch khai quật đối với di tích An Phú.

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng, di tích An Phú là phát hiện quan trọng về văn hóa Champa của vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Năm 2023, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm khảo cổ học tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ tại 4 hố thăm dò và 1 hố khai quật với tổng diện tích trên 235m2. Căn cứ các di vật tìm thấy gồm gạch xây dựng và mảnh gốm cùng nhiều yếu tố khác, di tích được xác định có niên đại trong khoảng thế kỷ XIII-XIV.

Một số di vật tìm thấy tại di tích An Phú. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cùng với việc phát hiện một số di vật văn hóa Champa là các tảng đá bệ thờ, đế kê bệ thờ…được người dân ở thôn 4 (xã An Phú) lưu giữ, bước đầu có thể khẳng định di tích An Phú là di tích kiến trúc tôn giáo thuộc văn hóa Champa duy nhất được phát hiện ở cao nguyên Pleiku cho đến nay. Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đây là phát hiện rất quan trọng đối với quá trình nghiên cứu sự ảnh hưởng của văn hóa Champa ở Gia Lai và Tây Nguyên.

Mặc dù chỉ là những thông tin ban đầu, nhưng đem lại nhiều tư liệu mới, đặt ra các vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vai trò của di tích này trong bối cảnh các di tích văn hóa Champa trên địa bàn Tây Nguyên và nam Trung Bộ.

Các đại biểu tham quan thực địa di tích An Phú bên lề hội nghị. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Trung tâm khảo cổ học cũng có một số kiến nghị như: tiếp tục khai quật di tích An Phú nhằm làm rõ toàn bộ cấu trúc tường bao và các cấu trúc kiến trúc nội vi bên trong tường bao. Cần nghiên cứu sâu, đặc biệt là nghiên cứu so sánh di tích với di tích đồng dạng trên địa bàn Tây Nguyên, miền Trung Việt Nam và rộng hơn. Đồng thời, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích và xây dựng phương án thu hồi-quản lý đất phù hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, biến nơi đây thành 1 trung tâm văn hóa-du lịch trong tương lai.

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-bao-cao-ket-qua-khai-quat-khao-co-di-tich-an-phu-post259772.html