Già hóa dân số và những thách thức

Dân số nước ta đang già hóa với tốc độ nhanh do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng, trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Nếu năm 2009, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên là 9% thì đến năm 2010, con số này là 9,4% (tăng 0,4%). Tốc độ này sẽ là thách thức lớn đối với các cấp, các ngành có liên quan trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tỷ lệ NCT trên 60 tuổi trở lên đã vượt 10% trên tổng số dân. Tỷ lệ NCT gia tăng cao tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định... Theo đó, Hà Nội gần 10%, Hải Phòng là 10,3%, tại Thái Bình con số này đã lên tới 14%. Còn tại khu vực Bắc Trung Bộ và ven biển miền trung, số lượng NCT tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định... Nước ta đang trong quá trình chuyển đổi rất nhanh về nhân khẩu học. Năm 2005, chúng ta vừa kết thúc giai đoạn 'cơ cấu dân số trẻ', thì chỉ sau sáu năm sau, nước ta đã bước vào giai đoạn 'già hóa dân số' trong khi các nước khác trên thế giới phải trải qua hàng thập kỷ để chuyển đổi quá trình này. Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế), số NCT tăng là thành tựu của sự phát triển nhưng cũng đang đặt ra những khó khăn, thách thức. Với xã hội già hóa, thành phần cơ cấu kinh tế, dịch vụ chăm sóc... sẽ phải thay đổi cho thích ứng. Đáng chú ý, nước ta đang già hóa với một tốc độ chưa từng có trong lịch sử do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng, trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Theo kết quả Tổng Điều tra dân số và Nhà ở ngày 1-4-2009, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên là 9% thì đến năm 2010, con số này là 9,4% (tăng 0,4%). Tại thời điểm này, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn 'già hóa dân số'. Trong tương lai, tốc độ già hóa tăng sẽ không phải 0,4% nữa mà sẽ là 0,5% - 0,6% và đến năm 2025, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số 'già'. Theo thống kê, số lượng NCT đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác. Năm 1999, số người già trên 100 tuổi là ba nghìn cụ thì năm 2009 là 7.200 cụ. Thời gian để chuyển đổi từ cơ cấu dân số 'già hóa' sang cơ cấu dân số 'già' ở nước ta sẽ ngắn hơn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao. Thí dụ: Nếu Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản 26 năm, Thái-lan là 22 năm để chuyển từ 'già hóa' sang 'già' thì dự báo ở nước ta, thời gian này là khoảng 20 năm. Già hóa dân số là xu hướng tất yếu khi kinh tế - xã hội mỗi quốc gia ngày một phát triển. Theo quy luật phát triển đó, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), già hóa dân số nhanh chóng cũng sẽ tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam. Theo TS Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Chính sách công và quản lý (Trường đại học Kinh tế Quốc dân), trong khi hầu hết các nước trên thế giới, thời gian chuyển sang cơ cấu dân số già phải sau khi nền kinh tế đã phát triển. Tuy nhiên, ở nước ta, cơ cấu dân số già đến sớm, khi kinh tế đất nước mới đang trong thời kỳ thoát nghèo. Do đó, các chế độ, chính sách nhằm bảo đảm cho NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích, được chăm sóc chu đáo không phải một sớm, một chiều. Tuổi thọ trung bình của người dân cao, nhưng số năm khỏe mạnh thấp cũng đang khiến người cao tuổi phải chịu gánh nặng về bệnh tật. Trong khi đó, chi phí chăm sóc y tế cho một NCT cao gấp tám lần trẻ em. THANH MAI TS Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Chính sách công và quản lý, ĐHKTQD: Già hóa dân số không phải là gánh nặng mà là một tiến trình tất yếu. Cho nên chúng ta cần làm chậm quá trình 'già' theo cách già hóa dân số chủ động: Khuyến khích NCT tiếp tục tham gia hoạt động xã hội, làm kinh tế và tự chăm sóc sức khỏe cho mình tốt hơn. Điều quan trọng nhất chính là giáo dục ý thức mỗi cá nhân về việc 'lo cho tuổi già từ khi còn trẻ'. Bởi lo cho mình cũng chính là cho gia đình, cộng đồng và các thế hệ tương lai.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/gia-hoa-dan-s-va-nh-ng-thach-th-c-1.303113