Gia đình bé trai mang rắn lục đuôi đỏ đến bệnh viện

Sau khi bé trai bị rắn cắn, gia đình đã bắt con vật này và mang theo đến bệnh viện để bác sĩ nhận dạng rắn độc.

Sự việc xảy ra từ ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết Giáp Thìn). Khi bé T.Q.Đ. (8 tuổi, ngụ Tân Trụ, Long An) ra sau nhà bếp đánh răng, bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở bàn tay trái, gây đau và chảy máu.

Con rắn sau đó bị gia đình bé Đ. bắt lại. Trẻ được cầm máu và nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).

Tại đây, các bác sĩ trực ghi nhận trẻ sưng bầm bàn tay trái, lan lên cẳng tay trái, chảy máu thấm gạc, mặt bé lừ đừ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé có biểu hiện rối loạn đông máu nặng.

Vết thương cánh tay của bệnh nhi do rắn lục đuôi đỏ cắn. Ảnh: BSCC.

"Cùng với người nhà mang theo con rắn bắt được là rắn lục đuôi đỏ. Vì vậy, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn và xử trí truyền 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho trẻ", bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), thông tin.

Sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn, vết rắn cắn sưng to và lan tiếp lên cánh tay trái, trẻ được truyền thêm 5 lọ nữa. Kết quả, tình trạng bệnh nhi có cải thiện sau 24 giờ, hết chảy máu. Vết thương rắn cắn bớt sưng bầm.

Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh lưu ý phát quang xung quanh nhà, tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công trẻ. Trẻ nhỏ cũng cần được hướng dẫn khi đi trên bụi cỏ, khu vực rậm rạp, lùm cây... tránh đi chân đất hay leo trèo.

Rắn lục đuôi đỏ. Ảnh: Thai National Parks.

Lục đuôi đỏ thuộc nhóm rắn lục. Chúng có đầu hình tam giác, to hơn phần thân, đuôi màu đỏ cam. Nạn nhân bị lục đuôi đỏ cắn thường có 2 vết răng cách nhau một cm, xuất huyết, tê buốt. Độc của lục đuôi đỏ chỉ xếp sau nọc hổ mang chúa, có thể gây hoại tử cơ, suy thận, rối loạn đông máu nặng.

Khi trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn, phụ huynh không nên chích rạch tại vết thương hay nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc, không buộc ga-ro vết thương mà chỉ băng ép. Bệnh nhi cần được nhanh chóng đưa tới bệnh viện để điều trị.

Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện ít nhất trong 12 giờ đầu. Sau 24-48 giờ gặp nạn, việc điều trị rất khó khăn hoặc không hiệu quả.

Tiểu Huệ

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-dinh-be-trai-mang-ran-luc-duoi-do-den-benh-vien-post1460221.html