Giá dầu thế giới giảm sâu trong tuần qua

Giá dầu đóng cửa phiên 8/3 giảm 1% và mức giảm khi tính chung trong cả tuần này thậm chí còn sâu hơn, do các nhà đầu tư cảnh giác với nhu cầu yếu của Trung Quốc, ngay cả khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung.

Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá “vàng đen” liên tiếp đi xuống trong hai phiên giao dịch đầu tuần, do thị trường hoài nghi về khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 và tâm lý ưa thích rủi ro của các nhà đầu tư đi xuống, bất chấp sự hỗ trợ từ đồng USD yếu.

OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang quý II/2024 để hỗ trợ giá dầu, trong bối cảnh lo ngại về sức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và sản lượng gia tăng ở ngoài nhóm OPEC+.

Chuyên gia John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho biết, một mùa Đông không lạnh trên khắp Bắc bán cầu đang gây áp lực lên giá dầu. Bên cạnh đó, cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Gaza cũng đang tạo sức ép trên thị trường "vàng đen".

Điểm sáng của thị trường năng lượng trong tuần này là phiên 6/3, khi giá dầu thế giới tăng khoảng 1% trước thông tin về dự trữ dầu thô của Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty năng lượng chỉ bổ sung 1,4 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 1/3. Con số này thấp hơn dự kiến trước đó.

Bên cạnh đó, triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay cũng là nhân tố hỗ trợ giá “vàng đen”. Theo các chuyên gia, lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó, hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ dầu.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/3, giá dầu WTI giảm 92 xu Mỹ (tương đương 1,2%) xuống 78,01 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc để mất 88 xu (tương đương 1,1%) còn 82,08 USD/thùng.

Dầu dầu Brent và dầu WTI giảm tương ứng 1,8% và 2,5% trong tuần qua.

Nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ trong tháng 2/2024 cùng phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Quốc hội trong tuần này để dò đoán hướng đi của lãi suất và nhu cầu dầu.

Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 275.000 việc làm tại khu vực phi nông nghiệp trong tháng 2/2024, nhiều hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lại tăng lên 3,9%.

Đầu tuần này, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 là khoảng 5%, mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho là đầy tham vọng nếu không có thêm các biện pháp kích thích.
Theo thống kê, sản lượng dầu thô ở các nước OPEC+ trong tháng 2/2024 đã tăng 212.000 thùng/ngày so với tháng trước đó.

Trong khi đó ở Mỹ, các công ty năng lượng trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động. Cụ thể, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã giảm 2 giàn xuống còn 504 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ ngày 23/2.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-dau-the-gioi-giam-sau-trong-tuan-qua-20240309142717534.htm