Giá dầu quay lại 100 USD/thùng trong năm nay đang có vẻ xa vời hơn

Những kỳ vọng về việc giá dầu sẽ tăng mạnh trong năm nay đang trở nên giảm dần.

Chỉ vài tuần trước, giá dầu Brent gần như sắp hoàn thành dự báo của thị trường về việc quay trở lại mức 100 USD/thùng do nhu cầu nhiên liệu kỷ lục và việc cắt giảm nguồn cung của Ả Rập Xê Út đã làm cạn kiệt lượng tồn kho dầu toàn cầu. Xung đột bùng nổ ở Trung Đông ngay sau đó cũng làm tăng nguy cơ giá cả tăng vọt.

Nhưng vào thứ Tư (9/11), giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng khi xuống dưới 80 USD/thùng. Những lo ngại về nguồn cung đang nhường chỗ cho những nghi ngờ về công suất của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và châu Âu sụt giảm, giao dịch hàng hóa thực tế mờ nhạt và triển vọng kinh tế không chắc chắn của Mỹ.

Norbert Ruecker, nhà phân tích tại Julius Baer & Co. cho biết: “Thị trường dường như đang chuyển trọng tâm từ địa chính trị do nỗi sợ hãi thúc đẩy sang các nguyên tắc cơ bản thực tế đang khó khăn. Nguồn cung dồi dào, tốc độ tăng trưởng sản xuất ngày càng tăng và nhu cầu trì trệ tạo ra nền tảng cơ bản suy yếu trên tổng thể”.

Nhưng việc giá dầu giảm có thể làm giảm áp lực cho các quốc gia tiêu thụ lớn như Mỹ, nơi giá xăng gần 4 USD/gallon đã gây áp lực lên các hộ gia đình và đe dọa trở thành gánh nặng chính trị đối với Tổng thống Joe Biden. Ngoài ra, nó có thể mang lại sự nhẹ nhõm cho các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh đang tìm cách kết thúc giai đoạn thắt chặt tiền tệ kéo dài.

Tình hình này là một sự đảo ngược mạnh mẽ so với cuối tháng 9, khi giá dầu Brent tăng trên 97 USD/thùng và OPEC dự kiến lượng tồn kho dầu giảm chưa từng có trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu kỷ lục và việc cắt giảm sản lượng thêm của Ả Rập Xê Út.

Đợt tăng giá vừa qua của giá dầu dường như đã chứng minh cho những dự đoán của thị trường vào đầu năm rằng dầu thô sẽ quay trở lại mức ba con số. Xung đột Hamas-Israel bắt đầu diễn ra vào ngày 7/10 cũng đã củng cố thêm đà tăng của giá dầu.

Tuy nhiên, khi dòng chảy dầu từ khu vực này vẫn không bị ảnh hưởng, sự chú ý đã chuyển sang mối nguy hiểm ở hai quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, cụ thể là sự suy thoái về lọc dầu ở Trung Quốc và lãi suất cao ở Mỹ.

Diễn biến giá dầu Brent

Nguồn cung mạnh hơn

Sự sụt giảm của giá dầu là một trở ngại đặc biệt đối với Ả Rập Xê Út. Quốc gia này đã cắt giảm sản lượng xuống mức thấp nhất trong nhiều năm nhằm nỗ lực đẩy giá lên, nhưng lại chứng kiến nền kinh tế của nước này phải chịu sự suy giảm mạnh nhất trong 3 năm vào quý ba, một phần do nước này phải hy sinh sản lượng bán hàng.

Hiện tại, sự hỗ trợ từ đồng minh thị trường quan trọng của Ả Rập Xê Út là Nga có thể đang giảm sút. Dữ liệu theo dõi tàu chở dầu cho thấy xuất khẩu của Nga đã phục hồi lên mức cao nhất trong 4 tháng vào tháng 10 với khoảng 3,48 triệu thùng/ngày. Năm tới, nguồn cung dầu từ Mỹ, Brazil và Guyana cũng được dự đoán sẽ tăng.

Tor Svelland, nhà sáng lập quỹ phòng hộ Svelland Capital cho biết: “Tồn kho giảm ít hơn dự kiến, lượng hàng xuất khẩu của Nga cao hơn dự kiến và phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh quá cao về lâu dài. Nhu cầu cũng yếu hơn do lãi suất và giá cả cao”.

Eurasia Group và UBS Group dự đoán rằng, với nhu cầu dầu tiếp tục chịu áp lực, Ả Rập Xê Út sẽ tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày sang năm tới. OPEC+ sẽ họp để xem xét chính sách vào ngày 26/11.

Nhu cầu lọc dầu suy yếu

Bên lề một hội nghị trong ngành ở London trong tuần này, nhiều công ty kinh doanh hàng hóa cho biết họ phải giảm giá bán do nhu cầu yếu hơn từ các nhà máy lọc dầu do đang phải đối mặt với sự sụt giảm lợi nhuận từ việc sản xuất nhiên liệu như xăng và chi phí vận chuyển cao.

Đây không chỉ là vấn đề ở Trung Quốc. Alex Booth, người đứng đầu bộ phận phân tích cơ bản tại công ty kinh doanh năng lượng Petroineos cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thấy lợi nhuận lọc dầu ở châu Á yếu đi. Toàn bộ khu vực đang phải vật lộn một chút trước tình trạng bất ổn nhẹ này”.

Tiêu thụ dầu diesel và naphtha của châu Âu - nhiên liệu cung cấp năng lượng cho xe tải, xe lửa, tàu thủy và xây dựng - đã giảm mạnh. Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo vào tháng trước rằng, lượng tồn kho giảm mạnh mà ngành dự đoán vẫn chưa thành hiện thực.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu xăng bình quân đầu người trong năm tới của Mỹ sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ, khi sản lượng tăng lên mức kỷ lục trên 13 triệu thùng/ngày. Cơ quan này cho rằng do làm việc từ xa gia tăng, cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu, giá xăng cao và lạm phát cao kéo dài là những lý do dẫn đến sự sụt giảm.

Tín hiệu trái ngược

Tuy nhiên, các nhà dự báo như Goldman Sachs, Standard Chartered Plc và Barclays Plc nhận thấy khả năng giá dầu thô tăng trở lại khi nhu cầu tiếp tục tăng làm giảm lượng dự trữ.

Hôm thứ Năm (9/11), Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết, nhu cầu dầu vẫn tốt và các nhà đầu cơ phải chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm giá gần đây.

Trong khi giá dầu Brent giảm xuống còn 80 USD/thùng thì biên lợi nhuận xăng dầu của Mỹ lại tăng lên. Mức chênh lệch của giá nhiên liệu so với dầu thô đã tăng gần gấp đôi kể từ giữa tháng trước, cho thấy động lực sản xuất nhiên liệu ngày càng tăng, chứng tỏ nhu cầu của người dùng cuối vẫn chưa đáp ứng được. Thị trường dầu thô ở Mỹ cũng đang được hỗ trợ bởi hoạt động mua hàng liên tục của chính phủ để bổ sung vào kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình.

Nhưng liệu sự phục hồi giá đó có xảy ra hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Theo một số ước tính, triển vọng nhu cầu vào đầu năm 2024 có vẻ ngày càng thách thức.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận thấy thị trường toàn cầu sẽ quay trở lại tình trạng dư thừa vào năm tới khi tăng trưởng nhu cầu giảm đáng kể 50% xuống dưới 1 triệu thùng/ngày. Tập đoàn kinh doanh năng lượng Gunvor cho rằng sẽ có một bức tranh khả quan hơn với mức tiêu thụ tăng ít nhất 1,6 triệu thùng/ngày. Trong khi OPEC dự báo mức tăng ở mức 2,2 triệu thùng/ngày trong năm tới.

Ehsan Khoman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại MUFG cho biết: “Tâm lý thị trường đã chuyển từ việc định giá phần bù rủi ro phía cung do địa chính trị gây ra sang việc định giá chiết khấu rủi ro từ phía cầu…Những người đầu cơ dầu đang gặp nạn”.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-dau-quay-lai-100-usdthung-trong-nam-nay-dang-co-ve-xa-voi-hon-post333590.html