Giá dầu, giá hàng hóa có thể đắt gấp đôi vì cuộc tấn công của Houthi

Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo sự gián đoạn do phiến quân Houthi đến eo biển Hormuz có thể khiến giá dầu tăng gấp đôi. Trong khi đó, nhiều người lo ngại hàng hóa phục vụ cho các dịp lễ quan trọng cuối năm sẽ càng đắt đỏ, khan hiếm.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Mỹ CNBC ngày (6/1), người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của công ty, Daan Struyven, cho biết: “Biển Đỏ là một tuyến đường vận chuyển quan trọng, nếu tình hình ở đó bị gián đoạn kéo dài, giá dầu có thể cao hơn 3 hoặc 4 đôla.

Ông nói: “Tuy nhiên, nếu eo biển Hormuz bị gián đoạn trong một tháng, giá dầu sẽ tăng 20% và thậm chí có thể tăng gấp đôi nếu sự gián đoạn kéo dài lâu hơn”.

Hãng vận tải khổng lồ Maersk của Đan Mạch tiếp tục chuyển hướng các tàu container tránh tuyến Biển Đỏ dẫn vào Kênh đào Suez. (Nguồn: Anadolu)

Mặc dù cảnh báo trước rằng tình huống này “rất khó xảy ra”, nhưng bình luận của ông Struyven đã hòa cùng một loạt tiếng nói từ giới kinh doanh và chính trị quốc tế chỉ trích tình hình trong những ngày gần đây.

Hôm qua, cựu Thủ tướng Anh hiện là ngoại trưởng David Cameron đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Sky News rằng các cuộc tấn công “phải dừng lại vì đây không chỉ là lợi ích của Anh mà còn mang tính toàn cầu”.

Kể từ tháng 11, phiến quân đã tấn công tàu chở hàng thương mại ở Biển Đỏ hơn 20 lần bằng tên lửa, máy bay không người lái, tàu cao tốc và trực thăng.

Đáp lại, vào tháng 12, Hoa Kỳ đã công bố Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng nhằm tăng cường tuần tra ở Biển Đỏ và Vịnh Aden để bảo vệ giao thông thương mại – các tàu từ Anh, Úc và Canada nằm trong số các quốc gia khác cũng tham gia.

Giữa tháng 12 chứng kiến giá dầu thỉnh thoảng tăng vọt do các hành động này, nhưng sự biến động phần lớn vẫn ở mức thấp do thị trường nói chung vẫn yếu.

Tuy nhiên, đáng kể hơn là phản ứng của các chủ hàng lớn đối với các phản ứng bảo vệ.

Maersk và Hapag Lloyd, hai trong số các công ty vận tải biển lớn nhất châu Âu, đã từ chối sử dụng các tuyến đường Biển Đỏ và Kênh đào Suez, trước đây đã có một tàu bị quân nổi dậy tấn công vào cuối tuần trước.

Theo hãng tin CNBC, để tránh các cuộc tấn công được tiến hành bởi phiến quân Houthi ở Yemen - lực lượng được Iran hậu thuẫn - các hãng vận tải biển đã phải chuyển hướng số hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD trong mấy tuần qua. Biển Đỏ là một đoạn đường biển quan trọng ở Trung Đông, cùng với kênh đào Suez nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương.

Các nhà quản lý logistics cho biết bất ổn ở Biển Đỏ đã dẫn tới một “cơn bão” trong thương mại toàn cầu, với giá cước vận tải tăng từng ngày, phụ phí gia tăng, thời gian mỗi chuyến hàng dài hơn, và nguy cơ các chuyến hàng dành cho mùa xuân và mua hè sẽ đến nơi muộn vì phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

“Áp lực chuỗi cung ứng gây ra phần “tạm thời” của lạm phát vào năm 2022 có thể sẽ quay trở lại nếu các vấn đề ở Biển Đỏ và Ấn Độ Dương tiếp diễn”, CEO Larry Lindsey của công ty tư vấn kinh tế Lindsey Group nhận định. Tuy nhiên, ông Lindsey không cho rằng việc này sẽ cản trở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất trong năm 2024.

Giới chuyên gia hàng hải cho biết hiện có khoảng 20% công suất vận tải biển không được sử dụng do lượng đơn hàng sụt giảm. Trong khi đó, các hãng vận tải biển tiếp tục cắt giảm các chuyến đi và phải thay đổi hải trình để tránh phải đi qua Biển Đỏ. Sự thắt chặt của công suất vận tải cộng thêm thời gian của mỗi chuyến hàng trở nên dài hơn dẫn tới giá cước cao hơn.

Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Bắc Âu đã tăng hơn gấp đôi trong tuần này, lên mức hơn 4.000 USD/container 40 foot. Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Địa Trung Hải thậm chí còn có thể tăng lên mức 5.175 USD. Một số hãng tàu đã báo giá 6.000 USD cho mỗi container 60 foot tới Địa Trung Hải từ giữa tháng này, chưa kể phụ phí dao động từ 500-2.700 USD/container.

Trong khi đó, giá cước vận tải biển từ châu Á tới Bờ Đông của Mỹ đã tăng 55% lên 3.900 USD/container. Giá cước tới Bờ Tây của Mỹ tăng 63% lên hơn 2.700 USD.

Thời gian vận tải dài hơn sẽ làm chậm những chuyến hàng mùa xuân lẽ ra phải cập cảng Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2. Ở Mỹ, những chuyến tàu container lẽ ra phải cập cảng Bờ Đông vào tháng 12 bây giờ mới tới nơi. Đó là những chuyến hàng gồm sản phẩm thời trang xuân hè, bể bơi, dụng cụ bể bơi, sản phẩm cho lễ Phục sinh, đồ nội thất và dụng cụ làm vườn…

Lê Na (Theo Oilprice, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-dau-gia-hang-hoa-co-the-dat-gap-doi-vi-cuoc-tan-cong-cua-houthi-post280061.html