Giá cổ phiếu NTP bật mạnh sau tin lãi tăng đột biến

Cổ phiếu NTP tăng gần 3% trong ngày 26/1, sau khi báo cáo tài chính cho thấy lãi gộp của Nhựa Tiền Phong đạt mức cao nhất trong 10 quý qua.

Hôm 26/1, giá cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong tăng 2,85% lên mức 43.500 đồng. Thanh khoản cổ phiếu NTP cũng tăng mạnh so với 5 phiên trước, đạt hơn 122.700 cổ phiếu. Một số nhà đầu tư nhận định cú bật của cổ phiếu NTP là hiệu ứng tất yếu sau tin tích cực về kết quả kinh doanh của công ty. Số lượng cổ phiếu NTP mà nhà đầu tư nước ngoài mua và bán trong hôm 26/1 cũng tăng so với các phiên trước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 4/2023 của Nhựa Tiền Phong đạt hơn 164,66 tỷ đồng, tăng hơn 95,43 tỷ đồng, tương ứng tăng 137,83% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính được Nhựa Tiền Phong đưa ra là do giá nguyên liệu quý 4/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, cùng với đó là việc tiết giảm chi phí lãi vay đã giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Cũng tại báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần của Nhựa Tiền Phong đạt 1.351 tỷ đồng, giảm gần 14% so với năm 2022.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong kỳ lại giảm tới 26%, giúp biên lợi nhuận gộp của Nhựa Tiền Phong đạt 33,2%, cao nhất trong vòng 10 quý trở lại đây, và vượt trội so với mức 21,9% của quý 4/2022.

Đồng thời, các khoản chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh của Nhựa Tiền Phong biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế cả năm 2023, Nhựa Tiền Phong ghi nhận 5.176 tỷ đồng doanh thu, giảm 9% so với năm 2022, nhưng lãi ròng lại tăng 16,5%, đạt 559 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết vào năm 2006.

So với kế hoạch kinh doanh cả năm, Nhựa Tiền Phong mới chỉ thực hiện được 90% mục tiêu doanh thu, nhưng đạt 123% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong đạt 5.454 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm. Đà tăng này chủ yếu do tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng tăng 138%, đạt 1.435 tỷ đồng, tương đương 26,3% tổng tài sản. Trong khi đó, hàng tồn kho chỉ giảm còn 1.158 tỷ đồng, tương đương 21,1% tổng tài sản, chủ yếu do nguyên vật liệu (674 tỷ đồng).

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh so với đầu năm, từ gần 9 tỷ đồng lên hơn 47 tỷ đồng, chủ yếu phản ánh chi phí xây dựng cơ bản (21 tỷ đồng) và máy móc thiết bị (hơn 26 tỷ đồng) cho nhà máy Quận Dương Kinh (Hải Phòng).

Nợ phải trả (hoàn toàn là nợ ngắn hạn) ghi nhận 2,338 tỷ đồng, tăng 5%. Trong đó, NTP vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1,703 tỷ đồng, nhích nhẹ so với đầu năm.

Trong năm 2024, theo nhận định của hãng chứng khoán FPTS, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhựa xây dựng như Nhựa Tiền Phong sẽ giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục của năm 2023, nhưng vẫn đạt mức cao so với các giai đoạn trước.

Biên lợi nhuận gộp chịu áp lực giảm chủ yếu do giá hạt nhựa vốn đang ở mức rất thấp, được kỳ vọng sẽ phục hồi dần khi nhu cầu trên toàn cầu được cải thiện. Giá hạt nhựa PVC hiện được dự báo sẽ hồi phục về mức trung bình 900 USD/tấn trong năm 2024, tăng 6,2% so với năm 2023, tương ứng ở vùng giá trung bình giai đoạn 2018-2020, nhưng thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2021-2022.

Như Hằng

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gia-co-phieu-ntp-bat-manh-sau-tin-lai-tang-dot-bien-d45846.html