Giá cà phê tăng, nông dân Đa Mi thu lãi cao

Từ cuối tháng 11 trở lại đây, nông dân xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc bắt tay vào thu hoạch vụ cà phê năm 2023. So với mọi năm, giá cà phê năm nay tăng cao, cộng năng suất ổn định, nông dân địa phương thu lãi lớn.

Là một trong những cây trồng chủ lực ở xã Đa Mi, cà phê vốn gắn bó lâu đời với người dân vùng đất này và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho không ít nông hộ; hiện toàn xã có hơn 1.050 ha cà phê, hầu hết đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Những năm gần đây, ngoài quan tâm chuyển giao tiến bộ KHKT, chính quyền xã Đa Mi còn khuyến khích nông dân mạnh dạn đưa các giống cà phê lai tạo như cao sản 138 lá xoài, cà phê Thiện Trường, cà phê Trường Sơn TS5… vào sản xuất. Tuy là giống mới, nhưng nhờ Đa Mi có khí hậu phù hợp, các giống cà phê lai tạo đã sớm thích nghi và cho năng suất vượt trội so giống cà phê truyền thống, góp phần nâng tổng sản lượng cà phê ở địa phương không ngừng tăng lên. Đáng chú ý trong năm nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, cộng với khâu đầu tư chăm sóc khoa học, bón phân cân đối, không chỉ các giống cà phê lai tạo, mà hầu hết diện tích cà phê truyền thống ở xã Đa Mi đều ra hoa sớm, đồng loạt, tỉ lệ đậu trái nhiều, cho năng suất ổn định so với năm 2022. Hiện nông dân trong xã đang bước vào cao điểm thu hoạch rộ cà phê với năng suất dao động từ 2,7 - 3 tấn/ha, bằng vụ cà phê năm ngoái. Với nhiều nông dân xã Đa Mi, cà phê là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy năng suất cà phê ổn định đã đem đến cho họ sự phấn khởi. Và sự phấn khởi này được nhân lên khi năm nay giá cà phê tăng đột biến. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay thương lái thu mua tại nhà với giá dao động trên dưới 60.000 đồng/kg cà phê nhân, tăng 20.000 đồng so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Đa Mi cho biết, trước đây cà phê thường hay rớt giá một phần do nông dân ứng trước vật tư, phân thuốc của tư thương, đến khi thu hoạch thì bị họ ép giá; hơn nữa thị trường mua bán sản phẩm cà phê của địa phương lúc trước chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng, do cá nhân người dân tự thỏa thuận với doanh nghiệp nên giá cả không được đảm bảo. Tuy nhiên, gần đây số lượng cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn tăng nhiều, hơn nữa chính quyền địa phương chú ý đến việc vận động nông dân liên kết với doanh nghiệp trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nên đầu ra cà phê dần ổn định. Đặc biệt một số hộ có kinh tế khá đã chủ động tích trữ cà phê chờ giá, nhờ vậy luôn bán được giá cao. Vụ cà phê năm nay, với giá bán bình quân 60.000 đồng/kg, mỗi ha nông dân địa phương thu nhập từ 160 - 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 120 - 140 triệu, tăng hơn khoảng 50 - 60 triệu đồng so với năm 2022…

“Những năm trước đây do giá cả cà phê bấp bênh, cộng nhân công thu hoạch ngày càng khan hiếm nên không ít nông dân trong xã đã phá bỏ loại cây trồng này; cũng có số ít diện tích cà phê già cỗi bà con chủ động chuyển sang trồng sầu riêng hay các loại cây ăn quả khác nên diện tích cà phê hiện có của xã dần thu hẹp và giảm gần 400ha. Tuy nhiên năm nay, giá cà phê tăng cao đã kích thích nông dân tập trung chăm sóc vườn, chủ động tái canh trên những diện tích cà phê già cỗi, chú ý đầu tư phục hồi cà phê trên những diện tích vừa thu hoạch với hi vọng tiếp tục có vụ cà phê thắng lợi mỹ mãn ở những năm tiếp theo….”.

Ông Nguyễn Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Đa Mi chia sẻ thêm.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/gia-ca-phe-tang-nong-dan-da-mi-thu-lai-cao-115474.html