Ghi ở nơi tuyến đầu chống dịch

Từ những ngày đầu khi có dịch bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận đã thành lập nhiều chốt kiểm soát người dân ra vào tỉnh. Và, cũng từ những ngày đó, nhiều chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ cũng rời khỏi nhà để ngày đêm bám chốt.

Ghi ở nơi tuyến đầu chống dịch

Bao vất vả khó khăn, bao hiểm nguy rình rập khi mỗi ngày phải tiếp xúc rất nhiều người mà trong đó có thể là người đang vi phạm pháp luật, đang trốn lệnh truy nã, đang tiềm ẩn nguy cơ lây, phát bệnh.

Điển hình vào ngày 15/7, một đối tượng lưu thông trên đường đã không đội nón bảo hiểm, không đeo khẩu trang, nhưng khi bị kiểm tra, đã dùng dao tấn công rồi về nhà cố thủ, sau đó chém trọng thương Thượng úy cảnh sát Hoàng Văn Dương, Công an xã Thắng Hải. Gần đây nhất, ngày 1/8 một xe ô tô bất ngờ tông thẳng vào chiếc ba gác làm con trai lớn 15 tuổi của gia đình ông Sơn thiệt mạng tại chỗ, cả gia đình 4 người còn lại bị thương nặng. Vụ tai nạn còn làm 2 cảnh sát trực chốt bị thương trong đó có một cảnh sát bị thương rất nặng phải chuyển Chợ Rẫy cấp cứu. Tài xế xe tải gây tai nạn qua test nhanh cũng đã dương tính với SARS-CoV-2.

Cô giáo H.H. giáo viên tại thị xã La Gi có chồng là một chiến sĩ cảnh sát hiện đang tham gia chống dịch tại phường Bình Tân (nơi được xem như tâm dịch của thị xã La Gi) chia sẻ: “Từ ngày thị xã bùng dịch, anh ấy đi làm nhiệm vụ đến nay vẫn chưa về một lần. Không phải là không được về mà là không dám trở về nhà sau mỗi ca trực vì sự an toàn cho vợ con.

Suốt ngày, căng mình vì sự an toàn của cộng đồng, cơm không ăn trọn bữa, nước uống chẳng tròn hơi, có nhà mà không được về, có chăn ấm nệm êm mà phải vật vờ chợp mắt trên chiếc ghế bố, bỏ mặc gia đình vợ con tự xoay xở để đi lo cho “thiên hạ”. Đã thế, lại còn phải căng đầu, cân não để lo đối phó với những thành phần không tuân thủ pháp luật nên rất mệt”.

Cô L.H. ở phường Phước Hội có con trai cũng là chiến sĩ công an hiện đang phòng chống dịch tại tâm dịch của thị xã cũng chia sẻ tâm sự đến nghẹn lòng: “Chốt trực thường rất tạm bợ, chỉ có cây dù và ghé vào hè nhà dân nên ngày nắng thì nóng hừng hực nhưng vẫn còn đỡ, trời mưa gió dù bay nên ngồi trong chốt cũng chẳng khác chi ngoài trời khổ lắm. Thế nhưng vẫn chưa thể khổ bằng việc phải nín đi vệ sinh vì không phải chốt nào cũng có nhà vệ sinh công cộng.

Cháu và đồng đội đi trực gần 2 tháng phải chịu đựng vậy đó. Đến bữa người ta giúp cho chốt cái gì thì ăn nấy, chứ lấy đâu chỗ nấu nướng, cũng chẳng có chỗ mà mua nữa. Mỗi bữa nhìn mâm cơm lại xót ruột và thương con ghê lắm.

Hết phiên trực cũng không dám về cơ quan, không dám về nhà vì sợ không an toàn cho đồng đội, sợ lây cho mẹ già, cho con thơ.

Mà đi ở trọ, lại sợ lây cho xóm trọ nên có người đành vạ vật ngủ trên những chiếc võng hoặc cả gia đình phải chịu trận sống trong nơm nớp lo âu lây dịch từ con, cháu mình. Chỉ hôm nào cháu vừa test xong mới dám ghé nhà lấy ít đồ và nhìn con nhỏ một chút mà không dám ẵm, dám ôm con. Vậy mà có người không chịu chấp hành quy định, khi không được qua chốt là kiếm cớ chửi rủa, gây sự rất khó nghe. Chỉ mong cho dịch qua nhanh để con và đồng đội bớt khổ”.

Đó cũng chính là niềm mong mỏi của tất cả mọi người. Tuy nhiên, để ngày ấy đến nhanh chẳng có cách nào khác ngoài việc mỗi chúng ta phải tự nâng cao ý thức của mình, tuân thủ tốt những quy định về công tác phòng chống dịch của địa phương.

Phan Tuyết

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/ghi-o-noi-tuyen-dau-chong-dich-140237.html