Ghi nhận từ Liên hoan các CLB nghệ thuật truyền thống không chuyên năm 2023

Tôn vinh và phát huy giá trị những loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc Việt Nam nói chung, của quê hương Ninh Bình nói riêng là thành công lớn nhất mà Liên hoan các CLB nghệ thuật truyền thống không chuyên tỉnh năm 2023 đã đạt được.

Tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức.

Tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức.

Trong 2 ngày (27 và 28/10), tại Nhà văn hóa huyện Gia Viễn, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND huyện Gia Viễn tổ chức Liên hoan các CLB nghệ thuật truyền thống không chuyên tỉnh Ninh Bình năm 2023. Tham gia Liên hoan có 16 CLB, đội văn nghệ của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Tham gia Liên hoan với 2 tiết mục Chầu văn (hát Văn) "Nhớ lời di chúc Bác Hồ" và "Ninh Bình ta ơi", bằng nghệ thuật hát điêu luyện kết hợp với dàn nhạc dân tộc tự biên, tự diễn, CLB Chầu văn Tam Điệp đã được khán giả cổ vũ nồng nhiệt, được Ban giám khảo đánh giá cao và trao 1 giải A, 1 giải B.

Nhạc công Phạm Văn Xuyên, Chủ nhiệm CLB Chầu văn Tam Điệp cho biết: CLB được thành lập bởi những người yêu nghệ thuật hát văn trên địa bàn thành phố Tam Điệp, gồm trên 30 thành viên, đa phần là người trẻ tuổi. CLB được thành lập nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống đặc sắc của ông cha. Nét độc đáo của nghệ thuật hát văn là sự đa dạng về hình thức biểu diễn, với 13 lối hát thể hiện những làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm, đòi hỏi kỹ thuật riêng cho mỗi lối hát, tạo nên sự ngọt ngào, thân thương, da diết của bài hát.

Để bảo tồn được nét đẹp của hát văn, CLB Chầu văn Tam Điệp không chỉ hát các bài hát Văn cổ mà còn chủ động chuyển thể từ tác phẩm thơ, các bài hát Văn ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đất nước đổi mới, quê hương phát triển. Do đó, CLB đã mang tới Liên hoan những bài hát Văn mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt của làn điệu hát Văn truyền thống, được khán giả đón nhận tích cực.

Tiết mục biểu diễn của CLB Chầu văn Tam Điệp tại Liên hoan.

Được gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu âm nhạc là điều mà nhiều CLB mong muốn khi đến với Liên hoan lần này. Bà Bùi Thị Ân, Chủ nhiệm CLB hát giao duyên tiếng Mường xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) phấn khởi cho biết: CLB gồm trên 70 thành viên, là những người có hiểu biết về văn hóa Mường, những người biết tiếng Mường và những người yêu thích hát Mường. CLB thường xuyên tham gia biểu diễn vào những ngày lễ, Tết, Liên hoan, tại Lễ hội Hoa Lư, giao lưu với CLB hát tiếng Mường thuộc tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và tham gia biểu diễn phục vụ du lịch ở trong và ngoài tỉnh.

Tại Liên hoan, CLB hát giao duyên tiếng Mường xã Cúc Phương tham gia 3 tiết mục gồm: "Sắc bùa chúc Tết", "Kể chuyện Mo Mường đẻ đất, đẻ nước", "Hát Giao duyên tiếng Mường" nhằm giao lưu, chia sẻ, quảng bá nét đẹp văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Mường tới nhân dân trong tỉnh; truyền dạy cho thế hệ cháu con người Mường hiểu và bảo tồn văn hóa dân tộc; mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư kinh phí, đồng hành cùng CLB tìm nhân lực kế cận để duy trì hoạt động, bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống người Mường.

Ca nương của CLB nghệ thuật truyền thống thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) biểu diễn tiết mục hát ca Trù tại Liên hoan.

Các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của các CLB đã biểu diễn gần 40 tiết mục nghệ thuật truyền thống tiêu biểu thuộc các loại hình nghệ thuật: Hát Văn, hát Xẩm, Ca Trù, các làn điệu dân ca dân tộc Mường, hát Chèo, độc tấu nhạc cụ, Mo Mường... Nội dung các tiết mục ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, phản ánh được nét đẹp văn hóa của đất và người Ninh Bình, sự phát triển, hội nhập của quê hương.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Liên hoan năm nay có nhiều đổi mới, nhất là các tiết mục của các CLB đến từ các huyện, thành phố với đa dạng các tiết mục, trong đó có một số tiết mục mới như Ca Trù (huyện Kim Sơn), Mo Mường (huyện Nho Quan). Các CLB tham gia đã đầu tư công phu cả về nội dung, chất lượng nghệ thuật và hình thức thể hiện.

Liên hoan các CLB nghệ thuật truyền thống không chuyên tỉnh Ninh Bình năm 2023 đã thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức đã lựa chọn các tiết mục xuất sắc trao 10 giải A, 10 giải B và 13 giải C. Thông qua Liên hoan nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục lòng tự hào dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời chọn ra những hạt nhân cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật trẻ.

Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa tỉnh, từ thành công của Liên hoan năm nay, trong thời gian tới, với định hướng của tỉnh, của Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Văn hóa tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động, kế hoạch thúc đẩy phong trào văn hóa ở cơ sở ngày càng phát triển. Trung tâm tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố mở các lớp bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, hát Văn, hát Xẩm, mời các nghệ nhân có tên tuổi về truyền dạy, giúp các CLB văn hóa cơ sở ngày càng phát triển, hướng tới xây dựng văn hóa di sản gắn với phát triển du lịch, tạo sức lan tỏa tới du khách trong và ngoài nước.

Tiến Minh - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ghi-nhan-tu-lien-hoan-cac-clb-nghe-thuat-truyen-thong-khong/d20231030204614904.htm