Ghê rợn cuộc triển lãm...xác người

- Cuộc triển lãm dùng các tử thi để mô tả cho người xem các bộ phận trên cơ thể người vừa bị tòa án tối cao Pháp ra lệnh đóng cửa.

Tòa án tối cao Pháp vừa quyết định giữ nguyên phán quyết của hai phiên tòa cấp dưới về việc cấm triển lãm Cơ thể chúng ta: một vũ trụ bên trong, đưa Pháp trở thành nước đầu tiên cấm triển lãm sử dụng tử thi và gây nhiều tranh cãi. Triển lãm làm dấy lên sự quan tâm của dư luận khi phơi bày da và các bộ phận bằng xác người đã chết. Phán quyết trên mang ý nghĩa ở cả hai phương diện: thứ nhất, Pháp rất hiếm khi ra lệnh cấm trong hoạt động nghệ thuật triển lãm; thứ hai, Pháp trở thành nước đầu tiên cấm triển lãm này, trong khi các nước Đức, Mỹ lại hưởng ứng. Triển lãm Cơ thể chúng ta là ý tưởng của nhà nghiên cứu giải phẫu học người Đức Gunther von Hagens, sử dụng một loạt tử thi để mô tả cho khách tham quan thấy được các bộ phận cơ thể người, nhỏ tới cấp độ tế bào và những khối hoại tử do ung thư. Việc mô tả chi tiết hệ thống cơ thể người với các bộ phận bện xoắn vào nhau bằng xác người thật đã gây choáng váng cho khách tham quan. Triển lãm ra mắt khán giả Pháp, đầu tiên là ở Lyon và Marseille, sau đó đến Paris trước khi bị pháp luật “sờ gáy”. Tử thi...biết nói? Một số tổ chức xã hội chống đối triển lãm đưa ra nghi ngờ cho rằng những xác người này đến từ các trại tù ở Trung Quốc, không phải từ các trường y khoa ở Hong Kong như nhà tổ chức thông báo. Việc trưng bày các bộ phận cơ thể người được bảo quản hoàn hảo còn khiến người ta đặt nghi vấn: hẳn là các tử thi phải được đưa đến tay của những người tổ chức triển lãm ngay sau khi “chủ nhân” qua đời. Nhưng mặt khác, khi quan sát các tử thi được trưng bày, người ta không tìm được các bằng chứng nào cho thấy một căn bệnh nghiêm trọng đã gây ra cái chết ngay lập tức. Nhưng giới chỉ trích vẫn khăng khăng cho rằng các xác chết được lấy từ các nhà tù ở Trung Quốc. Các nhà tổ chức cũng không thể đưa ra các phân tích dưới góc độ y học để bác bỏ cáo buộc “gom xác từ nhà tù” của họ. Sau khi có cáo buộc, một quan tòa ở Paris đã ra lệnh đóng cửa triển lãm. Những nhà tổ chức phản pháo lại cho rằng, lệnh cấm xuất phát từ niềm tin tôn giáo của vị quan tòa nên họ “thông cảm với quyết định của ông”. Mười ngày sau, một phiên phúc thẩm tiếp tục giữ nguyên lệnh đóng cửa triển lãm nhưng với lý do khác: các nhà tổ chức phải trưng ra được nguồn gốc của những cái xác này. Đi ngược chuẩn mực đạo đức Sau các cuộc bàn cãi, tòa án tối cao Pháp đứng về phía các nguyên đơn nhưng trên các lập luận hoàn toàn mới. Theo chủ tọa phiên tòa, việc trưng bày các tử thi vì mục đích thương mại đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức của văn minh nước Pháp, rằng: “Thi hài của người chết nên được đối xử với lòng kính trọng, đúng với phẩm giá và phù hợp với lễ nghi”. Patrice Spinosi, luật sư của nhà tổ chức triển lãm nhận xét phán quyết này sẽ tạo tiền lệ cho các vụ việc tương tự về sau. Ông nói: “Mục đích thương mại” là cụm từ đáng tranh cãi nhất, chúng ta sẽ thấy bất cứ cuộc triển lãm nào có bán vé đều có nguy cơ là nạn nhân của lệnh cấm”. Nhưng Richard Sedillot, luật sư của bên nguyên đơn lại có quan điểm khác, ông cho rằng lệnh cấm này là cần thiết và ông đang “liên lạc với Canada và các nước Đông Âu để vận động họ ra lệnh cấm tương tự”. K.Quân (theo France 24 Online)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/hcm/201009/Ghe-ron-cuoc-trien-lamxac-nguoi-937741/