GenZ trong quân ngũ - Bài 2: Nếu chỉ cái tôi mà không vì cái chung

Cái tôi là cá tính vốn có của mỗi con người, giúp khẳng định giá trị bản thân trong xã hội. Cái tôi là cần thiết và nếu biết tiết chế, dung hòa với cái chung, vì lợi ích tập thể sẽ mang lại nhiều giá trị lớn lao. Ngược lại, cái tôi sẽ biến thành cực đoan, lập dị, đẩy bản thân xa dần khỏi tập thể và đẻ ra đủ thứ tội.

Cá tính khác với thói ích kỷ, cá nhân

Chúng tôi đưa ra câu hỏi: Quân nhân cần có cá tính hay không? Câu trả lời của hầu hết cán bộ, chiến sĩ cho rằng, đã là con người thì dù công tác trong môi trường nào cũng cần có cá tính. Tuy nhiên, cá tính không đồng nghĩa với cao ngạo, tự kiêu hay cứng đầu. Người có cá tính là người dám thể hiện bản thân nhưng không đặt bản thân mình lên trên những giá trị khác; nó chỉ giúp cá nhân nổi bật nếu phù hợp và thể hiện đúng cách, đúng nơi, đúng thời điểm. Đức tính trung thực, thẳng thắn, giản dị, biết quan tâm, lắng nghe, nhường nhịn, sẻ chia cũng là cá tính, cần có ở mỗi quân nhân. Vì thế, cá tính khác hẳn tư tưởng, lối sống tiêu cực, ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích, mong muốn của bản thân, không chịu khép mình vào tổ chức, sống buông thả, vô kỷ luật, đòi hỏi quyền lợi vô lý. Chẳng hạn như có chiến sĩ nghiện chơi game nên lén lút sử dụng điện thoại di động, thậm chí bỏ đơn vị để ra ngoài chơi. Có chiến sĩ chỉ vì nhớ nhà, nhớ người yêu, sinh nhật bạn cũng xin chỉ huy cho đi tranh thủ, theo quy định chỉ huy không giải quyết thì sinh ra buồn chán, thậm chí sẵn sàng vi phạm kỷ luật.

Huấn luyện điều lệnh đội ngũ cho chiến sĩ mới thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3). Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Thượng tá Trần Kim Trọng, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 395 (Quân khu 3) cho rằng: "Xã hội càng phát triển thì nhu cầu hưởng thụ của con người ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sự bao bọc, nuông chiều quá mức của một số gia đình cũng sinh ra tính dựa dẫm, ỷ lại, thậm chí ích kỷ, hẹp hòi của con cái. Có những chiến sĩ ở nhà ngoài đi học ra thì không phải động tay vào bất kỳ việc gì... nên khi vào Quân đội phải tự lập mọi thứ thì khó thích nghi, cảm thấy bí bách, buồn chán, nếu bản lĩnh kém rất dễ vi phạm kỷ luật". Còn theo Thượng úy Bùi Văn Chiến, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 395: "Một trong những lỗi phổ biến hiện nay của các chiến sĩ là vi phạm quy định về sử dụng điện thoại di động. Mặc dù chỉ huy các cấp thường xuyên giáo dục, quán triệt lý do hạ sĩ quan, chiến sĩ không được sử dụng điện thoại di động, đơn vị cũng bố trí điện thoại để chiến sĩ gọi điện cho người thân khi cần thiết nhưng có những đồng chí nghiện chơi game, mạng xã hội nên vẫn cố tình vi phạm. Khi bị chỉ huy nhắc nhở và thu điện thoại gửi về cho gia đình lại tỏ thái độ bất mãn”.

Chiến sĩ mới thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) luyện tập vũ điệu trong sinh hoạt tập thể. Ảnh: TRUNG ĐỨC

Binh nhất Lê Tuấn Cường, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) thừa nhận mình là một người cá tính. Vì muốn được khẳng định bản thân, tìm hiểu cuộc sống trong quân ngũ nên khi đang làm đầu bếp tại một nhà hàng ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) Cường đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Là người cởi mở, thích chia sẻ cùng mọi người nên Cường hòa nhập môi trường mới rất nhanh. “Muốn mọi người tôn trọng thì trước hết mình phải tôn trọng mọi người. Hơn một năm trong Quân đội, tôi thấy mình chỉn chu và sống kỷ luật hơn trước đây. Tôi luôn vui vẻ với quyết định của mình, cảm thấy may mắn hơn các bạn. Gia đình tôi cũng cảm thấy tự hào”, Lê Tuấn Cường tâm sự. Trung úy Nguyễn Tài Phong, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 cho biết thêm: “Nhiều đồng chí rất thẳng thắn trong phê bình, góp ý với đồng đội, xây dựng đơn vị, đó là một cách thể hiện cá tính phù hợp. Tuy nhiên, một số lại thể hiện cái tôi, bảo vệ quan điểm cá nhân bằng việc to tiếng, quát tháo người khác; có ý kiến nhưng không giơ tay phát biểu mà nói leo trong sinh hoạt... là không đúng”.

Giá đắt cho hành động thiếu suy nghĩ

Nhiều chiến sĩ đã phải trả giá đắt cho hành động xốc nổi, coi thường kỷ luật, pháp luật. Xin dẫn hai vụ việc: Ngày 21-3-2023, Tòa án Quân sự khu vực 1 phối hợp với Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 52 (Quân khu 5) tổ chức phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Phạm Duy Phát về tội “Đào ngũ” quy định tại khoản 1, Điều 402 Bộ luật Hình sự hiện hành. Theo cáo trạng và diễn biến tại phiên tòa: Phạm Duy Phát nhập ngũ tháng 2-2022, là chiến sĩ Tiểu đội 5, Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2, Quân khu 5). Do nhớ nhà và không muốn tiếp tục rèn luyện trong Quân đội, khoảng 4 giờ 45 phút ngày 15-3-2022, Phát tự ý rời khỏi đơn vị. Trung đoàn 38 đã phối hợp với địa phương, gia đình tìm kiếm, vận động trở lại đơn vị nhưng không có kết quả. Đến khoảng 8 giờ 30 phút ngày 7-12-2022, Phạm Duy Phát bị Công an xã Cam An Bắc (Cam Lâm, Khánh Hòa) bắt khi về thăm nhà. Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả vụ việc và các tình tiết liên quan, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Duy Phát mức án 24 tháng tù về tội “Đào ngũ”.

Cán bộ và chiến sĩ mới thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cùng chơi thể thao trong giờ nghỉ. Ảnh: TUẤN ANH

Trước đó, ngày 8-4-2021, Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 9 mở phiên tòa xét xử lưu động đối với các bị cáo: Từ Văn Nghĩa, Vương Phước Tự, Nguyễn Hữu Nghĩa, Thạch Minh Trí, Phạm Ngọc Nghĩa và Lê Văn Vĩnh, đều là chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 519, Trung đoàn 893 (Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang), bị truy tố về tội “Hành hung đồng đội” theo điểm b, khoản 2, Điều 398 Bộ luật Hình sự hiện hành. Theo cáo trạng, tháng 11-2020, quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, các bị cáo trên đã tự ý trốn khỏi doanh trại để tổ chức uống rượu. Bị chỉ huy đơn vị phát hiện và yêu cầu giải tán trở về doanh trại, các bị cáo đã không kiềm chế được bản thân và có hành vi đánh chỉ huy cấp trên. Không dừng lại ở đó, sau khi được chỉ huy, đồng đội can ngăn, các bị cáo trên cùng với bị cáo Thạch Minh Trí và bị cáo Phạm Ngọc Nghĩa tiếp tục sử dụng hung khí và tay, chân liên tục tấn công chỉ huy cấp trên, đồng đội gây thương tích. Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức được hành vi mà mình thực hiện là sai trái, vi phạm kỷ luật Quân đội và pháp luật Nhà nước, tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại. Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo với mức án từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Hành hung đồng đội”.

(còn nữa)

ĐỨC THỊNH - ĐỨC TUẤN - NGUYỄN TRƯỜNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/genz-trong-quan-ngu-bai-2-neu-chi-cai-toi-ma-khong-vi-cai-chung-768216