Gen Z Trung Quốc không còn mặc xấu đi làm

Sau trào lưu diện quần áo luộm thuộm, Gen Z Trung Quốc lăng xê phong cách office siren, thể hiện sự yêu thích đối với trang phục công sở những năm 1990 và 2000.

Office siren là xu hướng thời trang công sở những năm 1990 và 2000, thịnh hành nhờ “đòn bẩy” Y2K. Đây là trào lưu thịnh hành trên nền tảng TikTok từ cuối năm 2023, đã lan tỏa đến mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc. Hashtag #officesiren thu hút hơn 27 triệu lượt xem ở nền tảng này. Váy bút chì bó sát, blazer vừa vặn, quần tây, sơ mi bung cúc gợi cảm, kính mắt và mái tóc búi gọn là đặc trưng của phong cách này. Ảnh: @savislook.

Theo ban biên tập Thời trang của mạng xã hội Xiaohongshu, office siren là sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và vẻ đẹp ngoại hình, là sự cân bằng giữa thanh lịch, chỉn chu và quyến rũ, gợi cảm. Xu hướng này đêm đến sự thời thượng cho trang phục công sở hàng ngày, gia tăng cảm hứng làm việc cho người mặc. Với nhiều nhân sự Trung Quốc, tính thẩm mỹ này góp phần lãng mạn hóa chốn công sở nhàm chán. Ảnh: Xiaohongshu.

Trước office siren, trào lưu mặc quần áo xấu đi làm được nhiều dân công sở Trung Quốc hưởng ứng. Các nhân viên văn phòng này không còn quan tâm đến việc ăn diện, mặc đồ thùng thình, thoải mái khi đi làm. Người dùng Kendou S từng gây chú ý khi đăng tải video ghi lại cảnh đi dép lông, mặc quần pyjama kẻ sọc và mặc váy len đến văn phòng vào tháng 2/2024. Video này đạt hơn 1,4 triệu lượt chia sẻ trên nền tảng Douyin. Hashtag #grossworkoutfits cũng thu hút 44 triệu lượt xem trên mạng xã hội Xiaohongshu. Ảnh: Douyin.

Nhân viên văn phòng Trung Quốc đua nhau mặc đồ ngủ, áo hoodie cũ, đi tất, đeo dép đến văn phòng, khiến lãnh đạo thất vọng. Bên cạnh sự thoải mái, trang phục luộm thuộm còn phản ánh sự mệt mỏi của giới trẻ khi đi làm mỗi ngày. Theo Dao Nguyen, nhà sáng lập công ty chiến lược tiếp thị Essenzia ByDao, xu hướng này thể hiện thái độ của thế hệ người lao động mới, phản ánh sự thay đổi của môi trường công sở sau những năm 2000. Sự thoải mái trong việc ăn mặc phản ánh mong muốn kết thúc trào lưu làm việc 996 (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần). Ảnh: Reene Liu.

Nhiều người lao động trẻ cho biết họ phải làm việc nhiều, nhận lương ít, thường xuyên OT. Thay vì dành thời gian chọn váy áo mỗi sáng, họ ưu tiên việc ngủ thêm nửa tiếng. Ngoài ra, một số còn muốn lãnh đạo chú ý đến trang phục xấu xí, lôi thôi, ngầm phàn nàn về mức thu nhập ít hỏi hiện tại. Nhiều người trẻ còn công khai những tấm hình trước và sau khi gia nhập thị trường lao động. Họ khẳng định phải chịu nhiều tổn hại về thể chất, trở nên già đi, căng thẳng hơn khi phải OT thường xuyên. Ảnh: Reene Liu.

Các thương hiệu thời trang cũng được hưởng lợi từ những xu hướng trên. Bộ sưu tập mới của các nhà mốt như Sandy Liang, Mark Gong và Zara đều lấy cảm hứng từ đời sống công sở, tích cực quảng bá phong cách ăn mặc này trên sàn diễn. Dao Nguyen cho biết trào lưu mặc xấu đi làm cũng là một gợi ý đối với các nhãn hàng thời trang. Người lao động trẻ ở Trung Quốc không thích bị dẫn dắt, dạy dỗ. Họ muốn tạo ra các xu hướng và được phục vụ dựa trên sở thích cá nhân. Ảnh: @savislook.

Nhìn chung, cả đồ ngủ và vest tháo khuy gợi cảm đều phản ánh tâm trạng, thái độ và tinh thần làm việc của nhân sự Gen Z và Millennials tại quốc gia tỷ dân. Sự thịnh hành của những trào lưu này cũng là gợi ý cho các thương hiệu thời trang tiếp cận khách hàng mục tiêu. Trang phục công sở luôn là “miếng bánh béo bở” đối với lĩnh vực thời trang do nhu cầu sử dụng lớn từ phía các “cổ cồn trắng”. Ảnh: @zola_zhang_ .

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gen-z-trung-quoc-khong-con-mac-xau-di-lam-post1473503.html