Gen Z có phải 'Kẻ gây rối' nơi làm việc?

Hiện gen Z góp mặt khoảng 30% nhân lực tại doanh nghiệp, đây là thế hệ có nhiều tiềm năng, sáng tạo và nhanh nhạy với chuyển đổi số.

"Team tôi có một bạn trẻ sinh năm 1999 (Gen Z). Khi được giao việc thì, em phản ứng tại sao phải làm việc đó, trong khi đó cũng thuộc phần việc em phụ trách. Khi có sự cố, em luôn phủi trách nhiệm, đẩy việc sang người khác. Trong công việc, cái 'tôi' của em rất lớn, dù sai sót liên tục"- một giám đốc kinh doanh doanh nghiệp tại quận 1, TP HCM chia sẻ.

Hiện gen Z chiếm 30% lực lượng lao động

Chia sẻ về gen Z, Công ty CP Anphabe công bố tham gia khảo sát 64.000 người đi làm, 752 doanh nghiệp và 150 lãnh đạo cho thấy "Xung đột thế hệ" là một trong 5 lý do khiến các nhà lãnh đạo "mất ngủ". Báo cáo chỉ ra nhân lực tại các doanh nghiệp đang được trẻ hóa là điểm sáng của thị trường lao động được Anphabe ghi nhận. Hiện, gen Z (những người được sinh ra từ năm 1997 đến 2012) góp mặt khoảng 30% nhân lực tại doanh nghiệp. Đây là thế hệ có nhiều tiềm năng, sáng tạo và nhanh nhạy với chuyển đổi số.

Khảo sát cho thấy "xung đột" đặc biệt mạnh mẽ là giữa các thế hệ trước gồm Baby Boomers (sinh từ 1946 đến 1964), X (1965 đến 1980), Y (1981 đến 1996) đối với gen Z. Đặc biệt, khi thế hệ Z ngày nay được xem như "nhân tố gây rối kế tiếp", có thể phá hủy hoặc tạo ra những bước tiến đột phá cho doanh nghiệp.

Đây là thế hệ có nhiều tiềm năng, sáng tạo và nhanh nhạy với chuyển đổi số

Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe, sự khác biệt trong quan điểm và phong cách làm việc của Gen Z đối với các thế hệ khác đang tạo ra nhiều xung đột nội bộ cần được giải quyết.

"Trong thời đại giao hòa giữa các thế hệ, đảm bảo sự kết nối và hỗ trợ là một trong những lý do lớn khiến lãnh đạo mất ngủ", bà Thanh Nguyễn nói. Tuy nhiên, theo bà Thanh Nguyễn ngoài những khác biệt thì các thế hệ đều có điểm chung rất mạnh mẽ.

Điều rất đáng chú ý là có đến 91% Gen Z thể hiện nhu cầu "muốn tạo ra giá trị xã hội" khi tìm kiếm một công việc mới. Thế hệ này mong muốn được làm việc tại những công ty có đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, giáo dục, phát triển bền vững, đói nghèo và biến đổi khí hậu.

Có đến 91% gen Z thể hiện nhu cầu "muốn tạo ra giá trị xã hội" khi tìm kiếm một công việc mới

Theo bà Thanh Nguyễn, trong những thực hành của các công ty nhằm rút ngắn khoảng cách đa thế hệ, một giải pháp được 90% Gen Z đánh giá cao là "Reverse Mentoring" hay còn gọi là Coaching Ngược. Khi ấy, những người trẻ hơn, thường là gen Z, nhân viên mới hoặc nhân viên ở vị trí thấp hơn lại trở thành người hướng dẫn và giảng dạy những người lớn tuổi hoặc kinh nghiệm hơn trong công việc.

"Phương pháp này không chỉ giúp gen Z hòa nhập và đóng góp hiệu quả cho tổ chức mà còn tạo cơ hội cho các thế hệ khác được hiểu và học hỏi từ gen Z"- bà Thanh Nguyễn nói. Những yếu tố như mối quan hệ tốt nơi công sở, dễ dàng tiếp cận sếp, đồng nghiệp khi cần, thoải mái chia sẻ khó khăn hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, thường xuyên trao đổi, phản hồi có tính xây dựng sẽ góp phần kết nối, hỗ trợ các thế hệ.

Tin-ảnh: H.Đào

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/gen-z-co-phai-ke-gay-roi-noi-lam-viec-20231126093957341.htm