Geetesh Sharma- Một cuộc đời sống đẹp, một trái tim tràn ngập yêu thương

Người luôn lấy Chủ tịch Hồ Chí Minh làm tấm gương để noi theo, học theo nhân cách cao quý của Bác và nuôi dưỡng tình đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam. Geetesh Sharma sẽ sống mãi trong trái tim những người anh em Việt Nam và Ấn Độ.

Đó là những lời mà nhà thơ Kusum Jain, Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bày tỏ trong lễ tưởng niệm sự ra đi của người được coi là "người cha, người bạn, người chỉ lối" của ủy ban đoàn kết thúc đẩy tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Ấn Độ.

Theo nhà thơ Kusum Jain, cả cuộc đời mình, học giả Geetesh Sharma luôn dành tình cảm đặc biệt cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách cao đẹp, học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh. Geetesh Sharma đã dành cả cuộc đời mình để vun đắp cho tình hữu nghị Ấn Độ-Việt Nam, giúp người dân Ấn Độ hiểu thêm về Việt Nam qua những tác phẩm của mình.

Dù ông đã từ giã cõi đời, nhưng những nghiên cứu của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh là những di sản quý báu mà ông để lại cho nhân loại. Thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục vun đắp cho di sản của Geetesh Sharma và sẽ còn sống mãi trong lòng thế hệ học giả cũng như trong lòng người dân hai nước Ấn Độ và Việt Nam.

Tưởng niệm một nhân cách lớn hơn cả cuộc đời: Geetesh Sharma - Một cuộc đời sống đẹp, một trái tim tràn ngập yêu thương

Buổi lễ nhằm để tưởng niệm và tôn vinh sự ra đi của một nhân cách lớn, Geetesh Sharma, một học giả nổi tiếng của Ấn Độ, thành viên của Đảng Cộng sản và là người bạn thân thiết lâu năm của Việt Nam. Ông Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam đã qua đời sau thời gian chống chọi với COVID-19 vào ngày 2/5 vừa qua ở Kolkata, Ấn Độ.

Lễ tưởng niệm online ngày 7/5 có sự góp mặt của các đại sứ, nhà văn nhà thơ, thành viên của ủy ban đoàn kết hai nước cũng như các học giả trên khắp thế giới. Theo cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, ông Geetesh Sharma có thể coi là biểu tượng của tình thương yêu. Ông là người rất yêu Việt Nam, và có nhiều đóng góp to lớn trong vun đắp tình hữu nghị hai nước.

Một trong rất nhiều tác phẩm của Geetesh Sharma về Việt Nam xuất bản tại Ấn Độ

Nhà văn Di Li coi nhà văn-học giả Geetesh Sharma như một "người bác" kính yêu của mình, người bạn của nhân dân Việt Nam. Nhờ có Geetesh Sharma, các nhà thơ Việt Nam đã hiểu thêm về "ô cửa" văn thơ Ấn Độ. Nhờ có Geetesh Sharma, nhân dân hai nước có cơ hội để hiểu thêm về nhau. "Cảm ơn ông. Ông sẽ sống mãi trong sâu thẳm trái tim chúng tôi", nhà văn Di Li xúc động bày tỏ.

Còn Sanjeev Sharma, người con dâu của ông bày tỏ nỗi lòng trước sự ra đi của người cha rằng Geetesh Sharma chính là hiện thân cho trái tim, tâm hồn người Việt tại Ấn Độ. Trước khi qua đời, ông còn vấn vương một tâm nguyện muốn làm thêm nhiều thứ nữa, ông chưa muốn ra đi.

Những tâm nguyện còn dang dở của ông đều hướng về thúc đẩy sự giao lưu nhân dân giữa hai nước, thông qua những áng văn thơ, hình ảnh về Việt Nam tươi đẹp trong lòng nhân dân Ấn Độ chắc chắn sẽ được thế hệ hai nước tiếp tục vun đắp.

Đại sứ Phạm Sanh Châu ôn lại kỷ niệm bên cụ Geetesh Sharma

Ông Võ Văn Thắng thay mặt Ủy ban đoàn kết Việt Nam-Ấn Độ tại Đà Nẵng chia sẻ đây không chỉ là sự mất mát đối với gia đình ông mà còn là sự mất mát đối với người dân Đà Nẵng.

Trong hành trình cuộc đời mình, Geetesh Sharma đã đặt chân lên khắp mọi miền của Việt Nam, tiếp xúc với người dân Đà Nẵng và viết về Đà Nẵng, quảng bá cho Đà Nẵng tại thành phố quê hương Kolkata của ông. Cuốn sách Đà Nẵng-Thành phố Kỳ quan (Da Nang City- A City of Wonder) do Geetesh Sharma đã được xuất bản tại Kolkata.

Những người tham gia buổi tưởng niệm, trong đó có Đại sứ Phạm Sanh Châu (Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ) đã cùng ôn lại những kỷ niệm thân thương khi ở bên người bạn Geetesh Sharma.

Đọng lại trong lòng mọi người là một Geetesh Sharma giản dị, luôn quan tâm tới mọi người xung quanh, giống như hình ảnh của Bác Hồ- người mà ông luôn ngưỡng mộ và kính yêu. Geetesh Sharma đã từng kể lại kỷ niệm dựng tượng Bác Hồ tại thành phố Kolkata quê hương ông, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người cho Đại sứ Phạm Sanh Châu nghe. Ông luôn sẵn lòng mang theo những món quà mọi người gửi để chuyển tình cảm đến cho những người bạn Việt Nam hay Ấn Độ trong mỗi chuyến công du của mình.

Khi Đại sứ Phạm Sanh Châu ôn lại kỷ niệm với Geetesh Sharma, tôi lại chợt nhớ lại những lần ông gọi điện hỏi thăm tôi, nhớ lại những món quà ông mang theo bên mình để gửi cho những người bạn Việt Nam mới quen và các em học sinh, sinh viên.

Trong số những món quà ông tặng có bức tranh in hình hai vị thần tình yêu Ấn Độ, những hộp hương trầm thơm của Ấn Độ mà ông gửi tặng tới những người bạn Việt Nam để gửi gắm tình cảm và nền văn hóa "kỳ diệu" và ấm áp của Ấn Độ đến với chúng tôi.

Những nhà văn, nhà thơ đã xúc động đọc những vần thơ gửi tặng Geetesh Sharma. Chị Phan Thủy, Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ đã xúc động đọc những vần thơ ca ngợi Geetesh Sharma: "Ông luôn yêu mọi người xung quanh mình và tìm kiếm công lý. Ông yêu Ấn Độ. Và ông yêu Việt Nam như quê hương thứ hai...." "Ông là một trái tim tràn đầy tình yêu thương. Ông yêu mến chúng tôi và chúng tôi sẽ luôn yêu mến ông."

Một nhà thơ quốc tế chia sẻ những vần thơ ngợi ca Geetesh Sharma

Học giả Hitendra Patel từ Ấn Độ chia sẻ rằng lý tưởng Hồ Chí Minh đã soi sáng chặng đường mà Geetesh Sharma đã đi qua. Các học giả cùng các nhà văn nhà thơ Ấn Độ, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, những người bạn của Geetesh Sharma chia sẻ "Geetesh Sharma sẽ sống mãi trong trái tim chúng tôi cùng những di sản mà ông đã để lại. Ông sẽ luôn còn mãi cùng di sản của mình.

Nhà thơ Kusum Jain, Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam hứa rằng Geetesh Sharma sẽ "còn mãi với chúng tôi" với lý tưởng của ông. Cả cuộc đời mình, ông đã luôn coi Hồ Chí Minh là tấm gương để noi theo, để học theo cốt cách của Người. Với những di sản mà Geetesh Sharma để lại, Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam sẽ nối tiếp lý tưởng của ông, sẽ phát triển và vun đắp tình hữu nghị sâu rộng với nhân dân Việt Nam. Kolkata, thành phố quê hương của Geetesh Sharma sẽ luôn ủng hộ Việt Nam, sát cánh bên người dân Việt Nam.

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/geetesh-sharma-cuoc-doi-song-dep-trai-tim-tran-ngap-yeu-thuong-n191800.html