Gaza và cuộc chiến đưa tin đầy nguy hiểm của các nhà báo

Gần trăm nhà báo đã thiệt mạng ở Gaza khi bất chấp hiểm nguy chọn ở lại đưa tin về cuộc xung đột đang diễn ra.

Khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào ngày 7-10-2023, nhiều nhà báo tại Gaza đã quyết định ở lại, chấp nhận rủi ro mạng sống để kể những câu chuyện về người dân tại đây.

Sau hơn 200 ngày giao tranh, những đợt pháo kích của Israel đã biến các khu dân cư thành đống đổ nát. Nhiều gia đình mất người thân và buộc phải sơ tán, nguy cơ chết đói đang rình rập. Ngoài ra, 129 trong số hơn 250 con tin bị Hamas bắt từ Israel vẫn bị giữ tại Gaza, trong đó ít nhất 34 người được cho là đã chết, theo đài CNN.

Bị mắc kẹt ở Gaza, các phóng viên người Palestine đã trở nguồn cung cấp thông tin của những người dân đau khổ ở dải đất này. Với việc các phương tiện truyền thông nước ngoài khó đi vào Gaza, chính những bức ảnh, đoạn phim và bài báo của các nhà báo người Palestine đã giúp thế giới thấy những gì đang xảy ra ở Gaza.

Giám đốc văn phòng đài Al Jazeera tại Gaza – ông Wael Al-Dahdouh trong đám tang của con trai ông. Con trai ông là một phóng viên thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel ở miền nam Gaza, vào ngày 7-1. Ảnh: AFP

Đối mặt thương vong lớn

Theo CNN, ít nhất 97 nhà báo và nhân viên truyền thông đã thiệt mạng kể từ tháng 10-2023. Trong số này, 92 người là người Palestine. Nhiều nhà báo ở Gaza cho biết họ bị cái chết của các đồng nghiệp ám ảnh, song song với việc họ phải cân bằng giữa việc đưa tin về cuộc chiến với việc cố gắng bảo vệ gia đình mình.

Các phóng viên làm việc trong những căn lều tạm bợ và có nguy cơ bị Israel tấn công. Một số người nói rằng họ buộc phải rời bỏ nhà cửa mà không có thiết bị hoặc đồ bảo hộ. Nhiều người phải dựa vào điện thoại di động để cho thế giới biết chuyện gì đang xảy ra. Do mất điện và gián đoạn liên lạc, việc đưa các thông tin ra bên ngoài cũng không hề dễ dàng.

Hình ảnh ông Wael Al-Dahdouh – giám đốc văn phòng đài Al-Jazeera ở Gaza – đau buồn đã trở thành biểu tượng nói lên hoàn cảnh khó khăn của các nhà báo ở Gaza. Vào tháng 10-2023, 12 thành viên trong gia đình ông thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel ở miền trung Gaza.

“Chúng tôi đưa tin về cuộc chiến ở Gaza vì đây là nghĩa vụ báo chí của chúng tôi. Chúng tôi thách thức sự chiếm đóng của Israel. Chúng tôi thách thức hoàn cảnh khó khăn và thực tế của cuộc chiến này” – cô Mariam Abu Dagga (31 tuổi), phóng viên ảnh của tờ Independent Arab, cho biết.

Các cơ quan nhân quyền đã nhiều lần kêu gọi bảo vệ các nhà báo tại Gaza. Vào tháng 2, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng “các cuộc tấn công có chủ đích và giết hại các nhà báo là tội ác chiến tranh”.

Lực lượng Phòng vệ Israel không trả lời các câu hỏi liên quan mối đe dọa đối với các nhà báo làm việc tại Dải Gaza.

Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết: “Trái ngược hoàn toàn với các cuộc tấn công có chủ ý của Hamas nhằm vào đàn ông, phụ nữ và trẻ em Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khả thi để giảm thiểu tổn hại cho dân thường, bao gồm các nhà báo. Lực lượng Phòng vệ Israel chưa bao giờ và sẽ không bao giờ cố tình nhắm mục tiêu vào các nhà báo”.

“Chúng tôi cũng là con người”

Kể từ tháng 10-2023, cô Abu Dagga mỗi ngày đều tự hỏi liệu đây có phải là ngày cuối cùng của cô ở lại Gaza hay không. Tuy nhiên, cô vẫn không rời đi, mặc dù phải đưa ra quyết định đau lòng là gửi cậu con trai 12 tuổi đến sống với cha ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

“Xung đột là điều duy nhất ngăn cách tôi với con trai mình” – cô Dagga nói.

Những đồng nghiệp bên thi thể của các nhà báo người Palestine – anh Mohammed Soboh và anh Saeed Al-Taweel. Hai nhà báo này thiệt mạng khi đang đưa tin ở TP Gaza, vào ngày 10-10-2023. Ảnh: REUTERS

Cô Dagga cho biết cô phải gửi con trai đi nơi khác để đảm bảo an toàn cho cậu bé, sau khi cô ghi lại cái chết của những đứa trẻ thiệt mạng tại Gaza.

“Tôi không thể diễn tả sự kiệt sức của mình bằng lời. Tôi phải chụp ảnh những đứa trẻ dưới đống đổ nát” – cô Dagga nói.

Cô Abu Dagga cho biết cha mẹ cô ở phía bắc Gaza lo lắng cho sự sống còn của cô, sau khi nghe tin về việc nhiều đồng nghiệp của cô đã mất trong xung đột.

"Không có nơi nào cho chúng tôi sống. Chúng tôi đã bị pháo kích liên tục và chúng tôi vẫn đang là mục tiêu" – cô nói.

Giống như cô Abu Dagga, phóng viên ảnh của đài TRT (Thổ Nhĩ Kỳ) – anh Mohammad Ahmed đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Vào tháng 12, anh đã bị mảnh đạn ghim vào chân khi đang làm nhiệm vụ.

“Tôi hét lên rằng tôi đã bị thương. Không ai có thể nghe thấy tôi. Tôi nhìn thấy nhiều người nằm trên đường. Xác chết nằm rải rác khắp nơi” – anh Ahmed nói.

Anh Ahmed cho biết bị dày vò khi liên tục ghi lại những cảnh nạn nhân xung đột.

“Tôi cũng là một con người. Tôi sẽ ngừng quay phim và cố gắng tìm một nơi trống để khóc. Những cảnh này ảnh hưởng đến chúng tôi vô cùng vì đó là những con người” – anh Ahmed nói.

Trả lời CNN, các nhà báo tại Gaza cho biết họ quyết tâm tôn vinh di sản của những đồng nghiệp đã thiệt mạng. Theo hãng thông tấn Wafa, tổng biên tập trang web tin tức Al-Khamsa – anh Saeed Al-Taweel đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào ngày 10-10-2023 ở phía tây TP Gaza (bắc Gaza).

Cô Alaa Abu Mohsen – đồng nghiệp đã trú ẩn cùng anh Al-Taweel vào đêm anh thiệt mạng – cho biết anh Al-Taweel đã đến quay phim tòa tháp Hajja ở TP Gaza khi nó bị tấn công.

“Tôi đi bộ để tìm Saeed, và thấy anh ấy nằm trên mặt đất ở ngã tư. Sau đó, tôi chuyển thi thể anh ấy về gia đình của anh ở Rafah” – cô Mohsen kể.

Cô Saba Al-Jaafrawi – bạn thân của nhà báo Al-Taweel – cho biết anh Al-Taweel “người tốt bụng và rộng lượng, luôn chủ động làm việc và giúp đỡ những người gặp khó khăn”.

“Mất Saeed là một mất mát to lớn cả ở cấp độ báo chí lẫn cấp độ xã hội. Nếu không có các nhà báo, làm sao thế giới có thể biết về chúng tôi, biết chuyện gì đang xảy ra với chúng tôi và nắm bắt được câu chuyện của người Palestine?” – cô Al-Jaafrawi nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/gaza-va-cuoc-chien-dua-tin-day-nguy-hiem-cua-cac-nha-bao-post789272.html