Gây quỹ cộng đồng để đưa tác phẩm hay đến tay độc giả

Nếu biết cách tận dụng một cách thông minh, phù hợp, gây quỹ cộng đồng (Crowdfunding) sẽ là cầu nối hiệu quả để đưa các tác phẩm đến với độc giả.

Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực gây quỹ cộng đồng cho các dự án sáng tạo của tác giả trẻ trong suốt 10 năm qua, tôi có vinh dự được gặp gỡ, trao đổi cùng nhiều chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các tổ chức trong và ngoài nước về mô hình này.

Tôi mong muốn có thể chia sẻ phần nào kinh nghiệm của bản thân và hy vọng mô hình này sẽ giúp cho những đơn vị làm sách có thêm lựa chọn trong việc giới thiệu tác phẩm mới đến với độc giả.

Đầu tiên cần phải khẳng định, Gây quỹ cộng đồng không phải ý tưởng gì mới, hoặc mới xuất hiện trong thời đại hiện nay. Hoạt động Gây quỹ Cộng đồng đã có từ nhiều thế kỷ trước, như cách nhạc sĩ Mozart và Bethoven gọi vốn đề có thể tổ chức các buổi hòa nhạc và phát triển các sản phẩm âm nhạc mới.

Tuy nhiên, từ những năm 2010, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, mô hình gây quỹ cộng đồng trên nền tảng mạng Internet ngày càng trở nên phổ biến.

Tại Việt Nam, chúng tôi bắt đầu triển khai Gây quỹ cộng đồng từ năm 2014, với tác phẩm truyện tranh Long Thần Tướng. Dự án đạt được thành công ngoài mong đợi, với hơn 1 tỷ đồng thu được.

Trong gần 10 năm qua, công ty chúng tôi duy trì hoạt động xuất bản truyền thống, và vẫn vận hành nền tảng gây quỹ cộng đồng cho khoảng 2-3 dự án mỗi năm. Những dự án này đa phần là những dự án có nội dung, hình thức thể hiện khác biệt. Một số dự án tiêu biểu như sau:

Cuốn truyện tranh Long Thần Tướng:

- Tác phẩm Việt Nam đầu tiên được giải Bạc cuộc thi truyện tranh quốc tế International Manga Award do Bộ ngoại giao Nhật Bản tổ chức.

- Phiên bản tiếng Tây Ban Nha được đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ban Nha chọn là một trong 10 tác phẩm truyện tranh tiêu biểu năm 2018.

- Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân mua bản quyền để chuyển thể thành phim điện ảnh.

Cuốn sách nghiên cứu Dệt Nên Triều Đại (gây quỹ trên Comicola vào năm 2017):

- Cuốn sách nghiên cứu song ngữ về trang phục thời Lê.

- Được thư viện đại học Harvard, Yale, Cambridge… thư viện Quốc gia Australia đưa vào hệ thống của họ.

Bộ phim hoạt hình Thỏ Bảy Màu:

- Bắt nguồn từ loạt truyện tranh nổi tiếng trên mạng xã hội.

- Gây quỹ được 1,7 tỷ đồng trên Comicola.

Ông Nguyễn Khánh Dương - CEO Comicola - tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, sáng 22/3 tại Hà Nội. Ảnh: Thụy Trang.

Về tính ứng dụng:

Trong suốt quá trình làm gây quỹ cộng đồng, chúng tôi nhận được nhiều dự án, nhiều tác phẩm, nhiều kế hoạch được gửi.

Tuy nhiên, cần lưu ý mô hình này không phải là chiếc đũa thần vạn năng có thể giúp mọi dự án có thể ra đời, đến được tay độc giả.

Những dự án thành công đều có một điểm chung: Tác giả của dự án đã có cộng đồng độc giả quan tâm từ trước, từng có sản phẩm truyền thống thành công, và mong muốn thử nghiệm một hướng đi mới, chưa từng có tiền lệ.

Do vậy, uy tín của tác giả, cùng với tính “đổi mới", “sáng tạo” và “mới lạ” của dự án là điều kiện tiên quyết để một dự án gây quỹ cộng đồng có thể thành công.

Và ngay cả khi một dự án đã thành công, có nguồn vốn để sản xuất, sẽ vẫn có những khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là với sản phẩm dự án đặc thù như xuất bản phẩm. Chúng tôi từng phải hủy một dự án Gây quỹ cộng đồng và hoàn tiền lại cho người ủng hộ, do tác phẩm truyện tranh đó có nội dung quá mới lạ tại thời điểm đó (năm 2015) và không xin được giấy phép xuất bản.

Những kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước:

Như đã nói ở trên, gây quỹ cộng đồng là mô hình phù hợp với những tác giả, những nhà sáng tạo trẻ đã có cộng đồng độc giả trong tay và muốn thử nghiệm làm những dự án mới, sáng tạo, và chưa từng có tiền lệ trên thị trường.

Do vậy, để hỗ trợ cho mô hình gây quỹ cộng đồng phát triển, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự ủng hộ về mặt chính sách từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

Về mặt “gây quỹ,” trong các cuộc họp với đại diện Bộ Tài chính và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc nghiên cứu khung pháp lý cho hoạt động Gây quỹ cộng đồng, đã có những đề xuất về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) về hoạt động gây quỹ cộng đồng nói riêng, và Tài chính công nghệ (Fintech) nói chung. Dự kiến các cơ chế này sẽ được văn bản hóa trong thời gian tới.

Còn sau khi đã có nguồn vốn, hoàn tất việc sản xuất, thì để đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là sản phẩm đặc thù như xuất bản phẩm, chúng tôi rất hy vọng phía cơ quan quản lý bên mảng Xuất bản, Phát hành có những cơ chế quản lý thử nghiệm tương tự mảng Tài chính Công nghệ.

Bởi như đã nói ở trên, Gây quỹ cộng đồng là hoạt động làm ra một sản phẩm mới, chưa từng có tiền lệ. Do sản phẩm chưa từng có tiền lệ, chúng tôi mong muốn nhận được sự bao dung, cởi mở của các Cơ quan quản lý, để có thể giúp cho sản phẩm có thể đưa được sản phẩm ra thị trường.

Nguyễn Khánh Dương (CEO ComiCola)

Nguồn Znews: https://znews.vn/gay-quy-cong-dong-de-dua-tac-pham-hay-den-tay-doc-gia-post1466640.html