'Gậy ông đập lưng ông'

Nghĩ ra mưu mô, thủ đoạn làm hại người khác nhưng chưa kịp thực hiện đã gây hại ngược lại cho mình. Đó là nghĩa của câu thành ngữ 'Gậy ông đập lưng ông'. Và câu thành ngữ này dùng để nói về Đài BBC tiếng Việt trong thời điểm này quả không sai. Tuy là một đơn vị làm truyền thông với hơn 71 năm kinh nghiệm lại luôn rêu rao nhân danh tự do để bảo vệ tự do báo chí, tự do ngôn luận, để rồi vi phạm một cách trắng trợn, bóp méo sự thật khiến thông tin bị sai lệch, ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia khác.

Nếu ai từng theo dõi BBC tiếng Việt sẽ chẳng khó khăn để nhận ra đâu là sự thật ẩn giấu đằng sau những nội dung ngôn từ giật gân nhằm gây sự chú ý qua các thông điệp kích động, chống phá, hằn học, chế giễu hết sức phi lý nhằm vào Việt Nam. Để rồi giờ đây lại phải chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông” khi văn phòng tại London, Vương quốc Anh đã buộc phải đóng cửa, chuyển về Bangkok, Thái Lan và sa thải hàng loạt nhân viên do làm ăn thua lỗ. Đây vừa là minh chứng cho làn sóng sa thải nhân viên đang diễn ra tại hầu khắp quốc gia trên thế giới, nhưng cũng là bài học nhãn tiền cho một số cơ quan truyền thông châu Âu nói chung hay những kẻ mang tư tưởng thù địch nói riêng. Bởi Việt Nam đã và đang phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, mức sống của người dân được nâng lên đáng kể. Các quyền tự do về ngôn luận, báo chí, tôn giáo, tín ngưỡng và cả nhân quyền đều được đề cao và bảo đảm.

Đó là lời cảnh tỉnh cho những trang truyền thông sai sự thật. Tuy nhiên, vẫn còn những tổ chức đã phớt lờ cảnh báo đó, ngang nhiên tuyên truyền, xuyên tạc hình ảnh một Việt Nam không mấy tốt đẹp với bạn bè thế giới. Một trong số đó là trang thông tin của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân. Mỗi dịp đến tết Nguyên đán là thời điểm Việt Tân tận dụng cơ hội để chống phá, xuyên tạc. Cứ cách mấy ngày, Việt Tân lại “chộp” được ở đâu đó một vài hình ảnh trên đường phố Việt Nam và đăng lên facebook với những dòng tít kiểu như: Người dân mất tết, phá sản tràn lan, thảm cảnh kinh tế, kinh doanh không sống nổi… Đặc biệt, với bài viết “Tết như một gánh nặng của lao động nghèo” đăng ngày 5-1-2024, Việt Tân cho rằng: “tình trạng thất nghiệp, công ty nợ lương, người lao động buộc phải nghỉ việc nhiều nơi… ấy vậy mà báo, đài vẫn ra rả bài ca điểm sáng kinh tế toàn cầu”. Ngay tiêu đề bài viết đã thấy sự quy kết chụp mũ, sự dễ dãi, tùy tiện trong cách dùng từ ngữ. Điều này cho thấy các thế lực thù địch sẽ không chừa bất cứ một lĩnh vực hay thủ đoạn nào. Chúng tận dụng mọi thông tin sự việc, miễn sao có thể làm thật, giả lẫn lộn, gây hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa là đạt được mục đích.

Thâm độc hơn, trong các dịp tết Nguyên đán, các thế lực thù địch còn luôn nhằm vào vấn đề lương thưởng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời lợi dụng triệt để mạng xã hội để xuyên tạc, kích động công nhân, người lao động tụ tập, đình công, lãn công, gây rối. Âm mưu đê hèn ấy cũng sớm lộ rõ khi chúng liên tục mượn cớ lấy các hội nghị, diễn đàn dành cho công nhân, người lao động để bôi nhọ Đảng, nói xấu chế độ, bài xích, phỉ báng, phủ nhận vai trò của tổ chức công đoàn. Chúng cho rằng, Công đoàn Việt Nam không đấu tranh bảo vệ được quyền lợi của người lao động và chỉ có các tổ chức công đoàn độc lập mới chăm lo tốt cho quyền và lợi ích người lao động.

Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái từ đầu năm 2023 đến nay do tác động từ hậu quả của dịch Covid-19 và tình trạng xung đột quân sự trên thế giới kéo dài. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những hậu quả nêu trên, nhưng với những nỗ lực phi thường, bất chấp khó khăn, thách thức phải đối mặt, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp được hạn chế, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; là một trong những điểm sáng tích cực của kinh tế thế giới. Cụ thể, năm 2023, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động tiếp tục phục hồi, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 68,9%, tăng 0,3% so với năm 2022.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác chăm lo, ổn định đời sống, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đạt được nhiều kết quả khích lệ giữa bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước còn nhiều khó khăn, trở ngại. Trong đó, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc ngày càng được khẳng định. Những quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của người lao động được giải quyết đầy đủ, kịp thời, phù hợp. Kết quả đó có được do hoạt động công đoàn tại nhiều địa phương đã từng bước được đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tiến hành thích ứng với hoàn cảnh mới. Ngoài bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, liên đoàn lao động các địa phương còn quan tâm và nỗ lực rất lớn trong bảo đảm nhà ở xã hội cho công nhân. Đến nay có thể khẳng định, mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân sớm trở thành hiện thực khi đã có 36 tỉnh, thành phố sẵn sàng quỹ đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Hoạt động tích cực, có hiệu quả của tổ chức công đoàn đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, duy trì sự ổn định của lực lượng lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và các vùng kinh tế trọng điểm, tạo đà thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế. Đây chính là minh chứng sinh động bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phủ nhận vai trò của tổ chức công đoàn và kết quả kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2023, để rồi “gậy ông đập lưng ông”.

Tiên Chế

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/152880/gay-ong-dap-lung-ong