Gây 'loạn' học đường vì thiếu kỹ năng sống?

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc học đường diễn ra ở Hà Nội như nữ sinh bị đánh hội đồng ngay tại lớp học, học sinh bị bỏng nặng vì mang cồn vào lớp để đốt… Nhiều ý kiến cho rằng, lỗi chính vẫn là do học sinh hiện nay vẫn còn 'hổng' kỹ năng sống.

Tranh minh họa: TL

Tranh minh họa: TL

Những nhức nhối đầu năm học

Tuần qua, đoạn clip ghi lại cảnh học sinh nữ tại Hà Nội bị bạn học đánh “hội đồng” trong lớp được tung lên mạng xã hội khiến người xem phải “bàng hoàng”, phẫn nộ. Đoạn clip dài gần 2 phút với cảnh một nhóm học sinh giật tóc, dùng chân đạp vào đầu, giẫm đạp lên người bạn, thậm chí còn xé áo bạn khiến người xem không khỏi xót xa. Sự việc trên xảy ra tại Trường THCS Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội). Theo báo cáo của nhà trường, em H.T.T (học sinh lớp 7D) bị một nhóm bạn gồm 5 học sinh khác đánh tại phòng học lớp 7A vào lúc 11h45 phút, sau giờ sinh hoạt lớp ngày 7/10. Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho biết, đã vào cuộc xác minh và đang trong quá trình xử lý những học sinh liên quan. Những học sinh đánh bạn đã làm tường trình, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, xác minh và sẽ có hình thức kỷ luật đối với những học sinh vi phạm.

Không chỉ chuyện học sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng xã hội, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng cho việc an toàn của con khi đi học “nghịch dại” mà gây tai nạn thương tích như trường hợp học sinh nam lớp 7 của Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) bị bỏng nặng vì mang cồn vào lớp để… đốt. Lãnh đạo Trường THCS Nghĩa Tân cho hay, khoảng 11h15 ngày 6/10, có 4 học sinh lớp 7A5 mang cồn đến để đốt dẫn đến cháy và khiến học sinh có tên Q.A bị bỏng nặng, nhân viên y tế nhà trường đã sơ cứu ban đầu và đưa học sinh bị bỏng vào bệnh viện.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, những sự việc gần đây cho thấy cách quản lý, giáo dục trong nhà trường đối với học sinh vẫn còn lỏng lẻo. Hơn nữa kiến thức về kỹ năng sống của học sinh vẫn còn thiếu nên học sinh chưa biết ứng phó với những tình huống trong cuộc sống dẫn đến đánh nhau, tự gây tai nạn... “Lứa tuổi học sinh dễ bị kích động, thích chơi trội, thể hiện mình nên khi rơi vào những vụ việc có tính mâu thuẫn thì dễ phát sinh những hành vi tiêu cực. Các em còn ít tuổi nên luôn mang tâm lý tò mò, khám phá và thể hiện bản thân, chỉ vì những phút bồng bột mà các em bị tai nạn, cũng như chưa biết tự xử lý tình huống gặp tai nạn”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

“Lỗ hổng” của giáo dục kỹ năng sống

Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, từ nhiều năm nay, chương trình giáo dục từ mẫu giáo lên đến đại học, học sinh chủ yếu được học kiến thức mang tính hàn lâm mà chưa quan tâm đúng mực đến thời lượng cho việc truyền đạt những giá trị nhân văn, kỹ năng sống. Nhiều nhà trường mải miết chạy theo chương trình mà quên những kiến thức, bài học nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Đây cũng là lý do khiến chuyện đánh nhau, nghịch dại... mà nhiều học sinh phạm phải.

Đưa ra giải pháp ngăn ngừa học sinh đánh nhau, nâng cao kỹ năng sống, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Nhà trường cần có nội quy xử phạt nghiêm việc học sinh đánh nhau ở bất kể trong hay ngoài trường. Ngoài ra, vai trò của giáo viên rất quan trọng, phải vừa mềm vừa rắn để dạy dỗ và răn đe học sinh giúp các em nhận thức cái đúng mà không tham gia các vụ việc như trên. Giáo dục tình yêu thương đòi hỏi nỗ lực của giáo viên và nhà trường, chứ không thể vài tiết dạy kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Bên cạnh đó, tạo sân chơi tìm hiểu, nghiên cứu và làm thí nghiệm an toàn trong quá trình dạy và học”.

Trước một số sự việc không hay xảy ra trong một số trường học trên địa bàn thành phố từ đầu năm học tới nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã vừa có công văn nhắc nhở các Phòng GD&ĐT, các trường học trực thuộc phải tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong trường học năm học 2017 - 2018. Sở chỉ đạo các trường đẩy mạnh việc phối hợp với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Tăng cường tuyên truyền để cha mẹ học sinh thấy rõ trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ biết cách phòng, tránh nguy cơ mất an toàn cho bản thân.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Sở cũng đã yêu cầu các trường đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục đạo đức, cung cấp kiến thức và hướng dẫn kỹ năng giúp học sinh nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn trong trường học, tránh nguy cơ bị xâm hại và bị bạo lực... Các trường cũng cần quan tâm hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội, tránh các sự việc có thể phát sinh mâu thuẫn”.

Nhằm nâng cao công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát các điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ... Đặc biệt là lưu ý khu vực cổng trường, nhà vệ sinh, nơi giáp ranh giữa nhà trường với bên ngoài; tăng cường công tác bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ đối với khách đến trường; giám sát phương tiện ra vào trường học.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/gay-loan-hoc-duong-vi-thieu-ky-nang-song-2017101709251583.htm