Gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực giảng dạy thiết kế vi mạch

Cùng với nỗ lực thu hút các doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực vi mạch. Khóa đào tạo giảng viên nguồn cho một số trường đại học trên địa bàn là sự chuẩn bị cần thiết, nhằm bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo nhân lực vi mạch.

Giảng viên tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn thiết kế vi mạch tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ảnh: NGỌC HÀ

Là một trong những giảng viên tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn do thành phố tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn từ cuối tháng 3, thạc sĩ Phan Ngọc Kỳ, giảng viên Khoa Điện - Điện tử - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho biết, chương trình đào tạo khoảng 120 giờ bao gồm cả lý thuyết và thực hành, chưa tính thời gian thực tập tại doanh nghiệp.

“Chúng tôi được làm, khai thác trên phần mềm và các công cụ chuyên dụng, bản quyền của Synopsys, Cadence. Ngoài ra, lớp học được dẫn dắt bởi các thầy giáo là những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam; họ có nhiều kinh nghiệm, uy tín và đã làm việc, cộng tác với nhiều phòng thí nghiệm bán dẫn hàng đầu trên thế giới. Những kiến thức, nội dung trang bị và các kinh nghiệm thực tiễn truyền đạt chắc chắn sẽ góp phần đắc lực cho việc triển khai giảng dạy chuyên ngành này ở các trường đại học trong thời gian đến”, thạc sĩ Ngọc Kỳ chia sẻ.

Cũng theo thạc sĩ Ngọc Kỳ, ngành bán dẫn có nhiều yêu cầu khắt khe đối với người học; kiến thức phải luôn cập nhật, bởi đây là ngành có tốc độ phát triển rất cao. Do đó, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp thì bên cạnh vai trò của người dạy, chương trình đào tạo tại các trường cũng phải linh động để sinh viên có nhiều thời gian, nhiều học phần được thực hiện ở doanh nghiệp. Những trải nghiệm thực tế này sẽ giúp sinh viên áp dụng nhanh kiến thức được học vào thực tế công việc và phát triển kỹ năng thực hành hiệu quả.

Nỗ lực của thành phố đối với phát triển ngành công nghiệp bán dẫn được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, trong đó có đào tạo nhân lực vi mạch. Theo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Synopsys khu vực Nam Á, ngày 10-10-2023, thành phố bắt đầu đề cập đến đào tạo nguồn nhân lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu. Tuy thời gian ngắn ngủi chỉ vài tháng, đến nay, Đà Nẵng đã có những bước đi vững chắc.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có hai chuyến công tác đến những công ty hàng đầu trên thế giới của Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) để có những cảm nhận thực sự về sự phát triển cùng những yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn và kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng.

Các giảng viên tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn thiết kế vi mạch tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ảnh: NGỌC HÀ

Ngoài chính sách thu hút đầu tư đầy hấp dẫn, thành phố đã có những nỗ lực cao trong cam kết về chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn. Việc khai giảng khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên nguồn là minh chứng.

“Chúng tôi hy vọng các giảng viên theo học các khóa học này không chỉ tham gia công tác đào tạo mà còn đóng vai trò dẫn dắt cho việc nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn. Chúng tôi mong thành phố sẽ có những khóa học tiếp theo, chọn được những giảng viên có khả năng, đam mê lĩnh vực này để tham gia lớp đào tạo cao hơn ở Hà Nội. Xa hơn nữa, những giảng viên có thể được gửi đi đào tạo tại Đài Loan để trong thời gian ít nhất là 3 tháng sau có thể làm chủ được công nghệ, đưa vào các bài giảng cho sinh viên”, ông Lâm nói.

Nói thêm về hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực vi mạch, ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DASC) cho biết, thành phố có sự chuẩn bị dài hơi trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn từ sớm. Việc thành lập DSAC là cam kết cho việc hiện thực hóa mục tiêu này. Liên minh 5 trường đại học thông qua đầu mối DSAC cũng được thành lập gồm: Đại học Bách khoa, Sư phạm Kỹ thuật, Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng), Đại học FPT và Đại học Duy Tân.

“Thành phố cũng làm việc với một số tập đoàn, công ty công nghệ lớn nước ngoài để trao đổi, nắm bắt nhu cầu nguồn lực; tập trung thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch, bán dẫn đầu tư tại Đà Nẵng, bảo đảm đầu ra cho các trường đại học”, ông Phúc cho biết thêm.

NGỌC HÀ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5411/202404/gap-rut-chuan-bi-nguon-nhan-luc-giang-day-thiet-ke-vi-mach-3969860/