Gặp người được giao bảo tồn giống sen cổ Oga Nhật Bản

Một ngày đầu tháng 1-2020, Thị trưởng thành phố Kinokawa (tỉnh Wakayama, Nhật Bản) mang giống sen cổ Oga tặng cho tỉnh Quảng Nam. Đến nay, sau gần 3 năm tiếp nhận giống sen Oga của Nhật Bản từ chính quyền Quảng Nam, anh Mai Chí Công (1993, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã nhân giống và bảo tồn thành công loài sen cổ quý hiếm này.

Sen cổ Oga được phía Nhật Bản trao tặng và giâm trong bể vào tháng 1-2020 trước khi bàn giao cho anh Công.

Sau khi nhận sen trao tặng từ phía Nhật Bản, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cảm ơn và bày tỏ mong muốn, hoa sen sẽ là biểu tượng bền vững cho sự giao lưu hợp tác giữa hai địa phương. Trong đó, hoa sen Oga tượng trưng cho sự cần cù, chăm chỉ và kiên cường của người dân Nhật Bản sẽ tiếp tục kết nối hai nền văn hóa với nhiều nét tương đồng Việt Nam - Nhật Bản nói chung, Quảng Nam và Kinokawa nói riêng lại gần nhau hơn.

Sen Oga được tiến sĩ sinh vật học Oga Ichiro - Trường Đại học Tokyo phát hiện ra hạt giống đã vùi sâu trong lòng đất từ 2.000 năm trước, ông đã chăm sóc những hạt giống này và cho nảy mầm thành sen cổ. Sau một năm tiếp nhận từ Nhật Bản và trồng trong chậu, tháng 3-2021 chính quyền Quảng Nam giao cho anh Mai Chí Công số giống sen trên để trồng trên đồng ruộng. Mỗi năm, chính quyền hỗ trợ 20 triệu đồng để anh Công chăm sóc, bảo tồn.

Anh Công sinh ra ở làng quê Nông Sơn 1, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn. Học hết lớp 9, anh vào TPHCM làm việc. Ở thành phố nhộn nhịp, anh trải qua nghề shipper, trình dược, cơ khí. Cuộc sống xô bồ nhưng Công không quên những ngày tháng tuổi thơ ra đồng chăn trâu, chứng kiến những đầm sen ra hoa, hạt được người dân thu hoạch để bán. Cây sen, cánh đồng quê vẫn còn đó nên cuối năm 2019, anh Công quyết định trở về quê lập nghiệp. Cầm 100 triệu đồng, anh xin bố mẹ 5 sào đất trồng lúa thấp trũng để khởi nghiệp trồng sen. Chưa hài lòng với diện tích này, Công thuê thêm ruộng của người dân để trồng sen làm điểm check-in bên tuyến tỉnh lộ ĐT609 và đường sắt Bắc - Nam. Để làm điểm check-in, Công xây dựng thêm cầu, ngôi nhà cho du khách dừng chân. Khách đến tham quan, chụp hình, Công bán vé giá 30.000 đồng/lượt. Ngoài ra, mỗi vụ sen Công thu hơn 70 triệu đồng từ hạt. Mặc dù người đi sau về khởi nghiệp cây sen, nhưng mô hình của Công được nhiều người biết đến.

Anh Mai Chí Công đang chăm sóc giống sen cổ Oga trên cánh đồng.

Nói về giống sen cổ Oga, anh Công cho biết: “Trước sự tin tưởng của chính quyền Quảng Nam, khi được tiếp nhận sen giống tôi rất vui mừng xen lẫn tự hào. Bởi đây là loài cây quý, nó còn mang ý nghĩa của mối quan hệ Việt - Nhật”, anh Công trải lòng. Sau khi tiếp nhận, Công dành 500m2 mặt ruộng và đào xung quanh sâu nửa mét rồi dùng tấm pro-xi-măng chắn để làm ranh giới với sen Việt. Cách làm này còn ngăn cua, cá vào ăn mầm sen mới lên. “Củ sen Oga được thả xuống lớp bùn ngập nước sâu 40cm trong sự lo lắng, vì giống sen quý mà trồng bị chết thì không biết ăn nói thế nào. Nhiều đêm tôi mất ngủ để tìm kiếm tài liệu trồng và chăm sóc sen Oga. Tôi lên mạng vào những trang website bằng tiếng Nhật nói về sen Oga, sau đó dịch qua tiếng Việt”, Công cho biết.

Sau 7 ngày trồng, sen bắt đầu lên mầm ra lá. 10 ngày sau mỗi cây 4 ra bốn lá. “Chúng phát triển nhanh và đến nay đã phủ kín mặt ao. Sen Oga lá nhỏ, nhiều nhưng xanh hơn sen của mình. Sen Oga dễ trồng như sen Việt, lá lên cách mặt nước khoảng 20cm thì không phát triển. Tại Nhật Bản, sau 3-4 năm sen mới ra hoa. Giống sen này thích nghi với thời tiết ở Quảng Nam và sinh trưởng phát triển khỏe. Hiện trên thị trường chưa thấy bán giống sen này. Dù vất vả thế nào tôi cũng cố gắng chăm sóc để nhân rộng sen Oga để tương lai được trồng trên những cánh đồng xã Điện Phước”, anh Công kể.

Nhằm tạo điều kiện cho Công, tháng 4-2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan và chính quyền thị xã Điện Bàn hỗ trợ anh Công chăm sóc, bảo tồn. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Ngoại vụ, UBND thị xã Điện Bàn đề xuất phía Nhật Bản hỗ trợ hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật chăm sóc phù hợp nhằm giúp cho cây sen Oga ra hoa trong điều kiện đồng ruộng ở xứ Quảng.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay sen Oga Nhật Bản chưa cho hoa, nhưng phát triển tốt. “Để bảo tồn và phát triển giống sen Oga Nhật Bản, UBND tỉnh đã giao thị xã Điện Bàn chủ trì việc theo dõi, chăm sóc, quản lý sen Oga đã trồng tại ruộng của anh Công. Quảng Nam hướng đến xây dựng vùng sen Oga quy mô lớn để tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa liên quan đến hình tượng hoa sen Việt - Nhật trong tương lai, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch về lâu dài”, ông Bửu nói.

TRẦN TÂN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/gap-nguoi-duoc-giao-bao-ton-giong-sen-co-oga-nhat-ban-post290253.html