Gặp khó dòng tiền, Hải Phát vẫn muốn mở rộng đầu tư

Tiếp tục gặp khó về dòng tiền, nhưng CTCP Đầu tư Hải Phát lại có động thái thâu tóm doanh nghiệp khác.

Muốn gián tiếp triển khai Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, phát sinh việc chậm trả lãi cho trái chủ, CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX) vẫn có kế hoạch mở rộng đầu tư, khi muốn dùng 434,4 tỷ đồng để thâu tóm 99,8% vốn tại CTCP Đầu tư phát triển Xanh Kỳ Sơn (Công ty Xanh Kỳ Sơn).

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư phát triển Xanh Kỳ Sơn được thành lập ngày 8/12/2016; địa chỉ tại xóm Gò Bùi, xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; người đại diện pháp luật là ông Phan Văn Điền (sinh năm 1982).

Được biết, Công ty Xanh Kỳ Sơn và Tập đoàn Telin đang liên doanh cùng phát triển Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc tại Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) với quy mô 35 ha. Trong đó, Dự án dự kiến cung cấp ra thị trường 350 - 450 căn nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự, tổng vốn đầu tư dự kiến 234 tỷ đồng.

Quay trở lại hệ sinh thái do ông Phan Văn Điền là đại diện pháp luật, ông Phan Văn Điền đang là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn, đơn vị bị Cục Thuế tỉnh Hòa Bình công bố nợ thuế hơn 841 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023, đứng thứ 2 về nợ thuế trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Về bên đi thâu tóm, tính tới ngày 30/9/2023, CTCP Đầu tư Hải Phát sở hữu 65,4 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 0,76% tổng tài sản (chỉ bằng 15,1% tổng số tiền đi thâu tóm). Cũng tại thời điểm này, Công ty Đầu tư Hải Phát có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 2.669,3 tỷ đồng, chiếm 31,1% tổng nguồn vốn.

Điểm đáng lưu ý, gần đây, CTCP Đầu tư Hải Phát liên tục phát sinh việc chậm trả, cũng như không thể trả toàn bộ lãi các lô trái phiếu đến hạn.

Trong đó, ngày 15/12/2023, CTCP Đầu tư Hải Phát phải thanh toán 14,27 tỷ đồng tiền lãi cho trái chủ mã trái phiếu HPXH2124009, nhưng Công ty chỉ thanh toán được 7,27 tỷ đồng, còn lại gần 7 tỷ đồng chưa thanh toán cho trái chủ.

Được biết, trái phiếu mã HPXH2124009 được phát hành ngày 25/11/2021, đáo hạn ngày 25/11/2024, mệnh giá 250 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của bên thứ ba. Mục đích huy động vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh và đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Mai Pha (TP. Lạng Sơn).

Trước đó, trong nửa đầu năm 2023, CTCP Đầu tư Hải Phát phát sinh chậm trả lãi 3 trái phiếu gồm trái phiếu HPXH2123011 (mệnh giá 450 tỷ đồng), trái phiếu HPX122018 (mệnh giá 300 tỷ đồng) và trái phiếu HPXH2125007 (mệnh giá 500 tỷ đồng).

Có thể thấy, việc CTCP Đầu tư Hải Phát chi tới 434,4 tỷ đồng để gián tiếp triển khai Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc trong bối cảnh lượng tiền mặt hạn chế, chỉ sở hữu 65,4 tỷ đồng và đang liên tục phát sinh việc chậm trả lãi cho trái chủ, dẫn đến lo ngại lớn cho trái chủ và chủ nợ trong các kỳ trả lãi, gốc tiếp theo.

Dấu ấn cổ đông mới chưa rõ ràng

Trái ngược với việc ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát và người thân liên tục bán ra và giảm sở hữu, Công ty đã bắt đầu xuất hiện nhóm cổ đông mới. Điều này phát đi tín hiệu tái cấu cấu, cũng như làn gió mới hỗ trợ Công ty trong quá trình tái cấu trúc.

CTCP Đầu tư Hải Phát chi tới 434,4 tỷ đồng để gián tiếp triển khai Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc trong bối cảnh lượng tiền mặt hạn chế, chỉ sở hữu 65,4 tỷ đồng.

Trong đó, ông Hoàng Văn Toàn đã mua 49.618.900 cổ phiếu HPX để nâng sở hữu từ 0,23% vốn điều lệ lên 16,54% vốn điều lệ), giao dịch được thực hiện ngày 14/9.

Ước tính theo giá đóng cửa ngày 14/9 là 5.480 đồng/cổ phiếu, ông Hoàng Văn Toàn đã bỏ ra số tiền 271,9 tỷ đồng để mua vào hơn 49,6 triệu cổ phiếu, đồng thời trở thành cổ đông lớn nhất tại CTCP Đầu tư Hải Phát.

Theo giới thiệu, bên liên quan của ông Hoàng Văn Toàn là CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát. Sau khi mua cổ phần, tới ngày 21/10/2023, ông Vũ Hồng Sơn được bầu vào thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư Hải Phát. Từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2023, ông Sơn giữ chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát.

Như vậy, sau khi mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn, nhóm Công ty Toàn Tín Phát đã đưa người vào Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư Hải Phát.

Thực tế, trong quá khứ giao dịch cổ phiếu, ông Hoàng Văn Toàn liên tục có dấu hiệu “lướt sóng” cổ phiếu, thay vì đầu tư dài hạn. Trong đó, ông Hoàng Văn Toàn mua vào hơn 2,7 triệu cổ phiếu DNP (CTCP DNP Holding) trong phiên 10/1/2023, trở thành cổ đông lớn của công ty này với tỷ lệ sở hữu 6,51% (tương đương hơn 7,7 triệu cổ phiếu). Tuy nhiên, đến phiên 8/6/2023, ông Hoàng Văn Toàn lại bán ra gần 2,2 triệu cổ phiếu DNP, giảm tỷ lệ sở hữu còn 4,21% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại DNP Holding.

Trở lại với hoạt động kinh doanh của Công ty Đầu tư Hải Phát, sau khi có cổ đông mới và nhóm cổ đông mới đưa người vào Hội đồng Quản trị từ ngày 21/10, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu “bơm tiền” để giúp Công ty giải quyết vấn đề thanh khoản khi đang phát sinh việc chậm trả lãi cho trái chủ. Như vậy, khó khăn của Công ty vẫn chưa thể sớm được giải quyết do thị trường bất động sản còn trong giai đoạn khó khăn.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gap-kho-dong-tien-hai-phat-van-muon-mo-rong-dau-tu-d206109.html