Gạo hỗ trợ mùa giáp hạt: Một nắm khi đói bằng một gói khi no

'Tháng ba ngày tám' khi cây lúa ngoài đồng mới đẻ nhánh, thóc trong bồ đã cạn… những hạt gạo hỗ trợ của Nhà nước cho hộ thiếu đói và có nguy cơ thiếu đói ngày giáp hạt được ví như phao cứu sinh với họ.

Hỗ trợ gạo cho người dân mùa giáp hạt.

Không còn nỗi lo mùa giáp hạt

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, ông Lý Giàng Páo (một trong những hộ nghèo ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) được nhận gạo hỗ trợ.

“Vì hoàn cảnh quá khó khăn nên vợ tôi đã bỏ đi. Tôi tuổi cao, sức yếu, gần đây lại mất khả năng lao động nên phải trông chờ vào sự giúp đỡ của họ hàng mới có cái ăn mỗi ngày, chứ nói gì đến chuyện đón tết. Rất may, năm nay tôi được huyện hỗ trợ 15kg gạo để vơi nỗi lo không có gì ăn trong 3 ngày tết”, ông Páo chia sẻ.

Cũng ở xã Động Đạt, bà Hà Thị Sòn ở xóm Đá Vôi, có con trai và con dâu đều đi làm ăn xa nhưng đã mất liên lạc 9 tháng nay. Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn phải gồng gánh nuôi 2 cháu nhỏ ăn học, đời sống rất khó khăn.

“Dù tuổi chưa cao, nhưng sức khỏe yếu, mà các cháu còn bé quá nên cuộc sống rất khó khăn. May mắn, trong đợt Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, ba bà cháu tôi được huyện hỗ trợ gạo nên trong ngày những tết không bị đói…”, bà Sòn xúc động cho biết.

Ông Lê Văn Trọng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Lương thông tin: Nhiều năm trở lại đây, huyện không xin hỗ trợ gạo của Chính phủ mà tự trích từ ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân.

Đây là chính sách nhân văn, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia của Nhà nước, địa phương đối với bà con vùng đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, mất mùa vào thời điểm giáp hạt, góp phần giúp người dân ổn định đời sống, yên tâm phát triển sản xuất.

Theo ông Trọng, những năm gần đây, nhiều chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả đã giúp số hộ khó khăn trên địa bàn huyện giảm mạnh. Số hộ cần hỗ trợ gạo đột xuất ngày giáp hạt dịp Tết Nguyên đán cũng giảm qua các năm.

Nếu như năm 2023, toàn huyện có 460 nhân khẩu thuộc 13/15 xã, thị trấn cần hỗ trợ ngày giáp hạt, thì dịp Tết Nguyên đán năm nay còn 443 nhân khẩu thuộc 12/15 xã.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH thông tin, nguyên nhân phổ biến khiến một số người thiếu lương thực ngày giáp hạt là do mắc bệnh hiểm nghèo, già yếu, không có khả năng lao động, không có đất canh tác, bị tai nạn giao thông hoặc bị thiên tai, rủi ro đột xuất…

Hỗ trợ cho người dân hơn 17,7 nghìn tấn gạo

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Thị Hương cho biết, trong những tháng đầu năm, đời sống dân cư được cải thiện.

Kết quả sơ bộ từ cuộc "Khảo sát mức sống dân cư 2024" cho thấy, thu nhập bình quân đầu người quý I ước đạt 5,2 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 8% so với quý IV/2023 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với đó, công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Tính đến ngày 19/3/2024, số tiền hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội là 8,1 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, cận nghèo là hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 9,2 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là gần 26,8 tỷ đồng.

“Tính từ đầu năm đến nay, tổng số gạo đã hỗ trợ cho người dân là hơn 17,7 nghìn tấn. Trong đó, 103,7 nghìn hộ với 693,4 nghìn nhân khẩu được nhận gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; hơn 33 nghìn hộ với 155,7 nghìn nhân khẩu được nhận gạo cứu đói giáp hạt”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trước thời điểm đón tết cổ truyền, đã có 15 địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 14.169 tấn gạo cứu đói cho 181.057 hộ với 935.466 nhân khẩu.

Đó là các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Quảng Bình, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Hà Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Bình Phước. Trong đó, hỗ trợ cứu đói Tết Nguyên đán hơn 11.551 tấn gạo cho 770.125 nhân khẩu; hỗ trợ cứu đói giáp hạt hơn 2.617 tấn gạo cho 165.341 nhân khẩu.

Năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Dự trữ quốc gia (Bộ Tài chính) đã xuất cấp hơn 96 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có 4.648 tấn trong kỳ giáp hạt.

Mùa giáp hạt là nỗi lo đối với những hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, gạo hỗ trợ của Chính phủ mùa giáp hạt được xem là "một nắm khi đói bằng một gói khi no” giúp họ ổn định cuộc sống.

Gạo cứu trợ đến với đồng bào không chỉ góp thêm một lưng cơm ấm lòng mà còn thể hiện sự sẻ chia, sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, của cả cộng đồng.

Phương Anh

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/gao-ho-tro-mua-giap-hat-mot-nam-khi-doi-bang-mot-goi-khi-no-20240407150135244.htm