Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo tiến sỹ: Chúng ta cần phải làm gì?

Hội thảo “Gắn kết nghiên cứu khoa học (NCKH) với đào tạo tiến sỹ (ĐTTS) trong các cơ sở đào tạo sau đại học” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào trung tuần tháng 7.2009 tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà quản lý thuộc các bộ/ngành, các cơ sở đào tạo sau đại học trong cả nước. Tạp chí đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Tạ Đức Thịnh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) xung quanh vấn đề gắn kết hai hoạt động này.

Trong giai đoạn 2001-2008, vấn đề gắn kết NCKH với ĐTTS đã được giải quyết thế nào, thưa ông? Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng NCKH và ĐTTS, thể hiện trong các văn bản như: Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Luật Giáo dục, Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2010, Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2.11.2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, Quy chế ĐTTS của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Các chủ trương, chính sách này đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động NCKH và ĐTTS trong các cơ sở đào tạo sau đại học trên cả nước. Giai đoạn 2001-2008, đã có 4.795 nghiên cứu sinh (NCS) bảo vệ thành công luận án TS, hàng nghìn giáo trình và sách chuyên khảo có giá trị đã được biên soạn từ kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án. Sự gắn kết NCKH với ĐTTS được thể hiện rõ nét trong các đề tài NCKH cấp nhà nước, cấp bộ và hầu hết các đề tài cấp cơ sở. Thông qua các đề tài NCKH theo Nghị định thư, các dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế, hàng trăm NCS đã được gửi đi đào tạo ở nước ngoài và bảo vệ thành công luận án TS… Nhưng cho đến nay NCKH và ĐTTS vẫn bị đánh giá là thiếu gắn kết. Theo ông, đâu là nguyên nhân? Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng việc gắn kết NCKH với ĐTTS vẫn còn không ít hạn chế. So với tiềm lực, số lượng các nhiệm vụ KH&CN do các trường đại học chủ trì còn khiêm tốn, chất lượng chưa cao. Đặc biệt, các nhiệm vụ KH&CN có tham gia ĐTTS còn hạn chế, NCS ít có cơ hội, điều kiện tham gia các hoạt động NCKH. Quan hệ phối hợp giữa các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu và trường đại học trong quá trình ĐTTS còn nhiều trở ngại. Nhiều cơ sở đào tạo chưa chú ý kết hợp giữa NCKH với đào tạo cũng như lợi ích kép của mối quan hệ gắn kết này. Tình trạng này do các nguyên nhân cơ bản: Giảng viên phải giảng dạy quá nhiều nên có ít thời gian tham gia NCKH; chưa có cơ chế, chính sách đồng bộ tạo động lực cho hoạt động NCKH và gắn NCKH với ĐTTS; thiếu cơ chế tài chính hỗ trợ NCS tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác NCKH; đầu tư cho NCKH ở các cơ sở đào tạo sau đại học còn thấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ cho ĐTTS và NCKH còn hạn chế và hiệu quả sử dụng chưa cao; chưa có sự tương thích cao giữa NCKH và ĐTTS cả về tổ chức, quản lý và nội dung chuyên môn… Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục những hạn chế này? Thực tế gắn kết chưa chặt chẽ giữa NCKH với đào tạo nói chung, ĐTTS nói riêng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển KH&CN, giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội. Tách rời NCKH và ĐTTS là không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đó là một trở ngại đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, cần phải tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách và đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy gắn kết NCKH với ĐTTS trong xu thế toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể là: - Hàng năm cần công khai trên mạng Internet các hướng nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu, đề tài nghiên cứu và danh sách các nhà khoa học có đủ tiêu chuẩn nhận hướng dẫn TS để các NCS có điều kiện lựa chọn. - Thay đổi quy định về thời gian làm NCS cho phù hợp với thời gian của một nhiệm vụ nghiên cứu (nhưng không ít hơn 3 năm) nhằm giúp NCS có cơ hội tham gia đến cùng nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập đầy đủ số liệu và hoàn thiện luận án TS. Đồng thời, từng bước hạn chế hình thức ĐTTS “tại chức” để nâng cao chất lượng ĐTTS. - Dành nguồn kinh phí thích đáng cho ĐTTS và tiến tới việc chi trả kinh phí cho NCS là do các nhà khoa học. Muốn vậy, ĐTTS phải gắn với các nhiệm vụ nghiên cứu do các nhà khoa học chủ trì. Các nhà khoa học có nhiều thành tích trong NCKH sẽ có thêm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu; thu hút và chi trả học bổng cho NCS. Đồng thời, tạo ra cơ chế cạnh tranh để NCS phấn đấu được tham gia nghiên cứu với các nhà khoa học có uy tín; từ đó mới từng bước nâng cao được chất lượng của các luận án TS. Đây chính là nền tảng cho các công bố quốc tế. - Ngân sách cho các nhiệm vụ KH&CN hàng năm phải được ưu tiên hàng đầu cho các nhiệm vụ nghiên cứu theo nhu cầu xã hội có NCS tham gia. Đồng thời, yêu cầu giảng viên đại học muốn hướng dẫn NCS thì phải có đề tài NCKH, yêu cầu này làm cho các giảng viên năng động hơn trong nghiên cứu và tìm kiếm nguồn kinh phí nghiên cứu. - Hoàn thiện các cơ chế, chính sách chung cho NCKH và ĐTTS, đặc biệt là cơ chế tài chính nhằm tạo động lực khuyến khích các nhà khoa học tích cực tham gia ĐTTS, NCKH cũng như cung cấp các sản phẩm và giải pháp công nghệ mới cho xã hội. Hình thành một mạng lưới các đơn vị KH&CN nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế (trong đó có các nhà khoa học, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài) đến làm việc trên cơ sở bổ sung và xây dựng quy chế sử dụng hệ thống phòng thí nghiệm, thư viện, cơ sở vật chất dành cho NCKH và ĐTTS tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo hướng mở nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hai hoạt động NCKH và ĐTTS. - Từng bước nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, mỗi lĩnh vực cần có một tạp chí cấp quốc gia được xác nhận về chất lượng, phổ biến rộng rãi và sử dụng ở các cơ sở nghiên cứu, đào tạo… Việc gắn kết NCKH và ĐTTS không thể đạt được kết quả ngay mà cần phải xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai theo hướng mở và gắn với hội nhập quốc tế về NCKH và ĐTTS. Trước hết, trong giai đoạn 2009-2011, chúng ta phải tập trung xây dựng các văn bản điều hành quản lý gắn kết hai hoạt động này trên cơ sở thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, nâng cao tính tự chủ của các cơ sở đào tạo sau đại học và tổ chức triển khai các nhiệm vụ NCKH theo nhu cầu xã hội có sự tham gia của các NCS. Xin cảm ơn ông. Thực hiện: Cao Thị Thu Hằng

Nguồn HĐKH: http://www.tchdkh.org.vn/ttchitiet.asp?code=10071