Gắn kết giới trẻ với di sản văn hóa của cha ông

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp với Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm Di sản với giới trẻ.

Di sản tư liệu là minh chứng hùng hồn để thế hệ trẻ có niềm tự hào

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, nếu tài liệu lưu trữ trước đây chỉ được thể hiện trên văn bản (giấy và các vật liệu chứa thông tin) thì nay “vật mang tin” đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều, có thể là email, thẻ nhớ, thiết bị thông minh, lưu trữ đám mây…

Các diễn giả tại tọa đàm.

Kỳ họp lần thứ 36 (năm 2011) của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Tài liệu lưu trữ (Universal Declaration on Archives), ghi nhận vai trò của tài liệu lưu trữ trong việc cung cấp bằng chứng xác thực về mọi mặt hoạt động, bảo đảm nền hành chính minh bạch cũng như gìn giữ ký ức chung của xã hội loài người.

"Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định, tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do đó, tôi hy vọng việc thay đổi cách tiếp cận, nhận thức về di sản nói chung, tài liệu lưu trữ nói riêng và về Luật Lưu trữ sẽ gợi mở giải pháp và định hướng hợp tác vì mục đích chung là nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu.

Di sản tư liệu là minh chứng hùng hồn để thế hệ trẻ có được niềm tự hào rằng mình trưởng thành từ một dân tộc anh hùng, từ đó bồi đắp khát vọng xây dựng đất nước hùng cường", ông Tùng bày tỏ.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, bà Trần Thị Mai Hương đã chia sẻ những quan điểm và chương trình mà nhiều năm qua Trung tâm thực hiện nhằm mục đích “đánh thức” di sản, đồng thời lan tỏa và phát huy giá trị của di sản đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đánh giá, di sản tư liệu là một trong những loại hình di sản quan trọng của quốc gia do thế hệ cha ông để lại. Nhưng không giống với các loại hình di sản khác, di sản tư liệu luôn có tính chất và đặc điểm riêng biệt, thường là các loại tài liệu lưu trữ mang tính chất ghi chép thông tin, ký ức nên công chúng ít được biết đến hơn các di sản khác. Đặc biệt là giới trẻ càng ít có cơ hội tìm hiểu loại hình di sản này.

Ngành lưu trữ nói chung và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đang nỗ lực tìm ra nhiều hình thức, phương pháp phổ biến để công chúng hóa các tài liệu lưu trữ giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận và nghiên cứu. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức về lịch sử, nâng cao giá trị của di sản tài liệu quốc gia và lan tỏa rộng rãi hơn nữa các giá trị đến với công chúng trong nước và quốc tế.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường xuyên diễn ra các hoạt động nhằm giới thiệu di sản của cha ông tới giới trẻ.

Không diễn giải lịch sử theo cách truyền thống cho giới trẻ

Chia sẻ về các hoạt động tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được tổ chức với những cách thức sôi nổi và đạt hiệu ứng tích cực, bà Đường Ngọc Hà, Trưởng Phòng Giáo dục Truyền thông, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định: “Chúng tôi đã tổ chức các hoạt động thu hút người xem như triển lãm trưng bày kết hợp hình thức kể chuyện tránh sự khô khan; tổ chức tour đêm Văn Miếu... Đặc biệt còn áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, không diễn giải lịch sử theo cách truyền thống mà trình chiếu các nội dung về lịch sử theo cách hiện đại. Từ đó, dần dần chiếm được sự quan tâm của các bạn trẻ".

Theo TS. Cam Anh Tuấn, Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc gồm di chỉ khảo cổ, hiện vật bảo tàng, công trình khoa học… Vấn đề cốt lõi là tài liệu đó phải có giá trị thực tiễn với xã hội.

“Với sự phát triển của khoa học công nghệ, bất kỳ điều gì chúng ta viết ra đều có thể là di sản của một thời kỳ. Nhận thức được điều đó, các bạn trẻ sẽ có trách nhiệm hơn với những gì mình phát ngôn trong cuộc sống hay trên mạng xã hội”, ông Tuấn nói.

TS Cam Anh Tuấn cho rằng cần nâng cao nhận thức và có cách tiếp cận đa dạng để đưa giới trẻ tìm về văn hóa cội nguồn: “Trong lúc tìm hiểu, thực hành di sản, người trẻ sẽ tự tìm ra cách ứng xử phù hợp với di sản, cũng như phát huy giá trị di sản cho những thế hệ sau nữa. Điều này giống như một ngọn đuốc được truyền từ tay người này sang tay người khác”.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gan-ket-gioi-tre-voi-di-san-van-hoa-cua-cha-ong-2232241.html