Gần 3.000 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, sạt lở đất

Thanh Hóa đang phấn đấu đến năm 2025 bố trí sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn 54 xã thuộc 9 huyện miền núi, theo 3 hình thức tái định cư, xem ghép, liền kề, tập trung.

Tỉnh Thanh Hóa xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành đoàn thể, chính quyền các địa phương và nhân dân khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Người dân Mường Lý sống dọc bờ sông Mã tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Theo báo cáo của UBND các huyện trong diện thực hiện Đề án, đến nay đã thực hiện sắp xếp, bố trí tái định cư xen ghép cho 131/1.122 hộ, đạt tỷ lệ 11,7% mục tiêu đề án. Đối với việc thực hiện các dự án tái định cư liền kề và tập trung, tổng số dự án được duyệt là 51 dự án/1.724 hộ dân.

Tái định cư tập trung là 17 dự án/878 hộ dân. Trong đó có 4 dự án/151 hộ dân được đầu tư theo hình thức khẩn cấp đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới (huyện Mường Lát 1 dự án/42 hộ; huyện Quan Sơn 1 dự án/36 hộ; huyện Quan Hóa 2 dự án/73 hộ); 6 dự án/313 hộ đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư; 6 dự án/326 hộ chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 1 dự án/88 hộ không thực hiện.

Một khu tái định cư tập trung trên địa bàn huyện Mường Lát.

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của các địa phương, công tác sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh đã, đang được thực hiện đúng tiến độ. Kết cấu hạ tầng tại các khu tái định cư đang từng bước được đầu tư và hoàn chỉnh, giao thông đi lại giữa các vùng tương đối thuận lợi, giúp cho đồng bào yên tâm sản xuất và định cư tại nơi ở mới.

Ngoài phần kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới từ nguồn ngân sách tỉnh, các địa phương cũng hỗ trợ về nhân lực, máy móc để các hộ dân chỉnh trang, xây dựng, di chuyển nhà cửa sớm ổn định được cuộc sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn kiểm tra tiến độ xây dựng các khu tái định cư.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định một số dự án có vị trí bố trí tái định cư cho các hộ dân chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất phải chờ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới bảo đảm điều kiện thẩm định; một số dự án theo yêu cầu các huyện phải có cam kết vốn đối ứng kinh phí giải phóng mặt bằng để xác định tổng mức đầu tư dự án bảo đảm quy định.

Các địa phương thường gặp khó do đặc điểm địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt bởi nhiều sông, suối nên việc lựa chọn vị trí tái định cư bảo đảm an toàn gặp khó khăn khi quỹ đất ở rất hạn chế. Nhiều khu dự kiến bố trí tái định cư cho các hộ dân cách xa trung tâm xã, huyện; cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, độ dốc cao, khối lượng đất đá rất lớn dẫn đến chi phí san nền, chi phí vận chuyển vật liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn...

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh giá: Việc bố trí ổn định dân cư tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, khu rừng đặc dụng, ổn định dân di cư tự do là một nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Việc bố trí ổn định dân cư phù hợp với quy hoạch các cấp, phong tục, tập quán văn hóa của từng dân tộc và gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, đồng thời cũng là giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái, tài nguyên nước. Bố trí ổn định dân cư có tác động lớn đến việc ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo, hình thành các điểm dân cư mới có cơ sở hạ tầng thiết yếu, giữ vững an ninh chính trị, gắn với bảo vệ môi trường.

Nét nổi bật của việc bố trí sắp xếp, ổn định dân cư trong thời gian qua là đã gắn việc di dân với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đã điều chỉnh, cơ cấu lại các điểm dân cư gắn với quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi cộng đồng, từ đó nhiều bản làng mới được hình thành, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi; đời sống của các hộ dân dần được ổn định, yên tâm phát triển sản xuất, không còn tình trạng di cư tự do và chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái và phát huy sức mạnh quốc phòng toàn dân trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thời gian tới, cần phải hoàn thành việc bố trí ổn định cho 2.846 hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn; đây là một nhiệm vụ hết sức lớn và khó khăn nên trong thời gian tới yêu cầu các cấp, các ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Các sở, ngành cần phải tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện đề án, coi đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm. Các huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Việc thực hiện thắng lợi mục tiêu sắp xếp, ổn định dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi trong tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/gan-3-000-ho-dan-nam-trong-khu-vuc-nguy-co-cao-xay-ra-lu-ong-sat-lo-dat-425848.html