Gần 1 triệu hộ chăn nuôi 'treo chuồng': Nguồn cung thực phẩm sẽ ra sao?

Theo thống kê sơ bộ của Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, hiện có khoảng 800.000-900.000 nông hộ nhỏ lẻ 'treo chuồng', tạm ngừng chăn nuôi, chiếm 1/3 tổng số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong cả nước. Nhiều người lo ngại nguồn 'cung' thực phẩm Tết Nguyên đán bị ảnh hưởng...

Nông hộ... kiệt sức

Tại xã Vạn Thái - "thủ phủ" chăn nuôi lợn của huyện Ứng Hòa, có tới hơn 50% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã tạm ngừng, chuyển sang công việc khác. "Tình hình không khả quan khi giá thịt lợn hơi thất thường ở mức 28.000-32.000 đồng/kg. Với giá này, nếu không chủ động được khâu giống, thức ăn… người chăn nuôi vẫn lỗ" - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thái Nguyễn Văn Sơn khẳng định.

Từng là một trong những hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn huyện Sóc Sơn, nhưng đến nay trại lợn của gia đình ông Nguyễn Quốc Phi đã bỏ trống chuồng hoặc chăn nuôi cầm chừng (chỉ đạt khoảng 50% công suất chuồng trại). Hiện số tiền nợ hằng tháng của gia đình ông Phi (vay mua thức ăn cho lợn) đã lên tới cả trăm triệu đồng. Nếu tiếp tục chăn nuôi, mở rộng đàn, gia đình ông không thể xoay xở được vốn. Bởi lẽ hơn 1 năm trở lại đây, khi giá lợn hơi giảm mạnh, gia đình ông đã phải cầm cố tài sản, đất đai để có vốn duy trì thức ăn cho đàn lợn với hy vọng mong manh chờ giá lên. Nhưng tình trạng thua lỗ ngày càng nặng thêm, khiến gia đình ông "kiệt sức"...

Cùng cảnh ngộ, ông Đặng Văn Mỳ ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) than thở: "Sau 3 lứa lợn, gia đình tôi rơi vào cảnh "trắng tay". Vợ chồng tôi lại quá tuổi lao động, không công ty nào tuyển làm công nhân. Giờ chỉ mong chăn nuôi sớm ổn định trở lại và được Nhà nước hỗ trợ vốn để gia đình tìm kế chăn nuôi mới"...

Tình trạng này diễn ra không chỉ tại riêng Hà Nội mà ở cả nhiều địa phương khác. Thậm chí, tỉnh Đồng Nai - địa bàn chăn nuôi lợn quy mô lớn - cũng không nằm ngoài "vòng xoáy". Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Hiện 50% số hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tạm dừng chăn nuôi do thua lỗ kéo dài... Tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ… - đều là những nơi có tổng đàn lợn lớn - xảy ra tình trạng tương tự. Nông hộ không còn khả năng tái đàn do quá kiệt quệ về vốn!

Dịp tái cấu trúc

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, hiện cả nước có khoảng 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ giảm khoảng 1/3 số hộ như thời gian qua là nhanh kỷ lục. Tuy nhiên, các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn dù không tái đàn ồ ạt nhưng vẫn duy trì sản xuất. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chăn nuôi trâu, bò, gia cầm trên địa bàn cả nước vẫn duy trì ổn định, chỉ đàn lợn ước tính đến tháng 9 giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý III đạt 521,9 nghìn tấn, giảm 2,3%. Tại Hà Nội, thời kỳ cao điểm xuất chuồng khoảng 1.100 tấn/ngày trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 900 tấn/ngày. Thời gian gần đây, mức giảm lợn hơi xuất chuồng từ 2 đến 5%, khó có thể tạo áp lực khan hiếm cho thị trường dịp cuối năm...

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám dự đoán: "Từ nay đến cuối năm, nguồn thực phẩm sẽ không thiếu hụt. Mặc dù, việc phục hồi đàn lợn chậm (hiện duy trì mức hơn 100.000 con, giảm khoảng 15% so với thời điểm giá cao), nhưng giá lợn hơi vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, thực tế trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chiếm hơn 30% thị phần sản phẩm thịt lợn và hơn 50% thị phần thịt gà công nghiệp. Do đó, các hộ chăn nuôi gia công cho công ty này vẫn sản xuất bình thường".

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, mức giảm này không ảnh hưởng nhiều tới nguồn "cung" thị trường Tết Nguyên đán. Hơn nữa, xu thế tiêu dùng ngày một đa dạng, phong phú với nhiều loại thực phẩm như: Thủy sản, thịt bò… Thậm chí, vài năm gần đây, người dân có xu hướng sử dụng đặc sản vùng, miền trong dịp Tết nên nhu cầu thịt lợn cũng giảm đáng kể.

Về tình trạng nông hộ ngừng chăn nuôi do thua lỗ nặng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đó là thực tế khách quan, song đây là dịp để ngành chăn nuôi tái cấu trúc. Thực tế, ở địa phương có số hộ "bỏ chuồng" lớn thì đây là những hộ có quy mô chăn nuôi từ 30 đến 50 con. Còn ở các tỉnh miền núi, nông hộ chăn nuôi con đặc sản hầu như không bị tác động.

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ngành chăn nuôi, 3 tháng cuối năm 2017, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát tổng thể các chương trình, kế hoạch để khuyến cáo chính sách phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình chăn nuôi trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, các nông hộ chăn nuôi theo hướng hữu cơ cần tuân thủ các vấn đề về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ, vừa tạo phân khúc thị trường mới…

Sơn Tùng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/880464/gan-1-trieu-ho-chan-nuoi-treo-chuong-nguon-cung-thuc-pham-se-ra-sao