G20 có là 'cú hích' cho COP26?

Ngày 31-10, sau những nỗ lực đầy khó khăn, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hội nghị thượng đỉnh ở Rome (Italy) đã đạt thỏa thuận về ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu...

Theo đó, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí đặt mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đây là mục tiêu lý tưởng trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng nghĩa giảm 50% mức phát thải ròng vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việc Hội nghị thượng đỉnh G20 đạt được thỏa thuận ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26) diễn ra từ ngày 31-10 đến 12-11, góp phần thúc đẩy các mục tiêu quan trọng tại diễn đàn vốn được coi như cơ hội cuối cùng để cứu Trái Đất.

Mở đầu cuộc thảo luận tại Hội nghị G20 trong ngày 31-10, Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố, cuộc chiến chống BĐKH là thách thức quyết định của thời đại.

“Hoặc chúng ta hành động ngay bây giờ, đối mặt với cái giá phải trả cho quá trình chuyển đổi và thành công trong việc chuyển dịch nền kinh tế theo cách bền vững hơn, hoặc chúng ta trì hoãn và phải trả cái giá cao hơn nhiều sau đó và có nguy cơ thất bại”, ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome. Ảnh: Getty Images

Thỏa thuận đạt được nói trên là rất đáng khích lệ sau những nỗ lực đến phút chót của các nhà ngoại giao. Reuters ngày 31-10 dẫn lời một quan chức giấu tên tham dự hội nghị tiết lộ, các nhà ngoại giao đã phải làm việc suốt đêm để tìm kiếm sự thống nhất trong cách diễn đạt câu từ của tuyên bố chung.

Tổng thống Mỹ Joe Biden là một trong số những người thúc đẩy hành động ở Rome, cho dù bản thân chính sách khí hậu đầy tham vọng của ông cũng đang bị làm khó ngay trong nội bộ Đảng Dân chủ.

Trên thực tế, dự thảo tuyên bố ban đầu cho thấy có ít kết quả về các cam kết mới nhằm hạn chế ô nhiễm và khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến các nhà hoạt động vì khí hậu thất vọng. Trong đó cho thấy sẽ không có cam kết chắc chắn nào về việc khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, cũng như cách thức đưa mức phát thải ròng về 0.

Mặc dù có rất ít hy vọng, nhiều nhà hoạt động về khí hậu vẫn kỳ vọng trong những giờ tranh luận cuối cùng, các nhà lãnh đạo G20 ít ra cũng có thể đạt được tiến triển nào đó. Và kết quả cuối cùng đã không làm họ thất vọng, khi hội nghị đạt được sự nhất trí về vấn đề ứng phó BĐKH hóc búa hàng đầu này.

Theo dự thảo tuyên bố mới nhất, các nước G20 cam kết “làm hết sức mình” để ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới trước cuối những năm 2030 và sẽ loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trong trung hạn, cùng với đó là cam kết sẽ ngừng cấp vốn cho việc phát điện từ nhiệt điện than ở nước ngoài vào cuối năm nay.

Nhóm G20 có Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Mỹ là những nước chiếm khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu. Vì thế, việc đạt được đồng thuận trong vấn đề chống BĐKH tại Hội nghị G20 lần này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc.

Hội nghị có sự tham dự của nguyên thủ và đại diện lãnh đạo của gần 200 quốc gia tại Glasgow và hầu hết các nhà lãnh đạo G20 sẽ bay trực tiếp từ Rome sang.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực ở Hội nghị thượng đỉnh G20, giới chuyên gia cũng vẫn lo ngại trong việc đạt được mục tiêu ngăn chặn Trái Đất nóng lên.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc cho biết, ngay cả khi các kế hoạch hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các quốc gia được thực hiện đầy đủ, mức độ ấm lên toàn cầu cũng đang hướng tới 2,7oC.

Trung Quốc, nước phát thải khí carbon lớn nhất thế giới đang đặt mục tiêu giảm khí phát thải ròng về 0 vào năm 2060, trong khi các nước có lượng khí phát thải lớn khác như Ấn Độ và Nga cũng không cam kết với thời hạn tới giữa thế kỷ.

Thực tế là hiện nay, một số quốc gia đang phát triển miễn cưỡng cam kết cắt giảm khí thải cho đến khi các quốc gia giàu có thực hiện tốt cam kết được đưa ra cách đây 12 năm là cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để giúp họ giải quyết các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nhưng cho dù thế nào, Hội nghị COP26 cũng là cơ hội để đoàn kết cả thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 2oC theo Hiệp định Paris năm 2015 và cố gắng ở mức 1,5oC.

Hội nghị là sự kiện khí hậu quan trọng nhất kể từ khi Hiệp định Paris được 195 nước ký kết tại Hội nghị COP21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/g20-co-la-cu-hich-cho-cop26-675985