Funtap thu 'khủng' nhưng đóng thuế 'hẻo', liệu có cần đưa vào tầm ngắm về thuế như Grab?

Thành lập năm 2015, chỉ sau 8 năm, đến nay Funtap đã trở thành một 'ông lớn' trong số các nhà phát hành của thị trường Game online Việt Nam. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp thu 'khủng' nhưng nộp thuế 'hẻo' là điều cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 5 năm (2018-2022), tổng doanh thu của Fun tap đạt hơn 2.500 tỷ. Đáng chú ý, vào năm 2021, năm đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội khiến người dân có nhiều thời gian rảnh để chơi game khiến trong năm này doanh thu của Funtap đã tăng vọt lên mốc gần 730 tỷ đồng, gấp 6,1 lần so với năm 2018.

Mặc dù doanh thu có sự tăng vọt nhưng Funtap thường xuyên báo lãi ở mức “tượng trưng” hoặc báo lỗ. Duy nhất trong giai đoạn 5 năm nêu trên, có năm 2018, Funtap báo lãi hơn 8 tỷ đồng dù doanh thu trong năm này chỉ hơn 100 tỷ đồng. Còn lại các năm khác, dù doanh thu có tăng vọt lên hơn 700 tỷ nhưng khoản lợi nhuận chỉ vỏn vẹn gần 700 triệu. Thậm chí vào năm 2020, doanh thu tăng lên mức 655 tỷ đồng nhưng Funtap vẫn báo lỗ 35 triệu đồng.

Theo báo cáo của Funtap, việc lợi nhuận “bay màu” nêu trên đến từ giá vốn bỏ ra và chi phí bán hàng luôn ở mức cao đến vài trăm tỷ. Đỉnh điểm vào năm 2021 là năm có doanh thu cao nhất và là năm dịch bệnh, khó có thể tổ chức các sự kiện ngoài trời nhưng chi phí bán hàng của Funtap lại đội lên tới gần 300 tỷ đồng.

Chính từ việc thường xuyên báo “lãi tượng trưng” và thua lỗ như vậy nên dẫn tới khoản thuế đóng góp của doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ trong 5 năm gần đây chỉ ở mức “siêu thấp” hay nói cách khác là “nộp cho có”.

Liên quan đến câu chuyện thu “khủng” nhưng nộp thuế “hẻo” của doanh nghiệp, mới đây, tại họp báo thường kỳ quý 2.2023, Bộ Tài chính nhận được một số câu hỏi liên quan đến việc chấp hành nghĩa vụ thuế của hàng taxi công nghệ Grab.

Theo đó, nhiều người đặt vấn đề về việc Công ty TNHH Grab là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam được 9 năm, doanh thu hiện tại đã hơn 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Grab chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam trong khi hàng năm vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, phí quản lý... cho hai công ty liên quan là GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở ở Đảo Cayman, Anh).

Thực tế này đặt ra vấn đề về trách nhiệm rà soát nghĩa vụ nộp thuế đối với Grab của Tổng cục Thuế cũng như tính hiệu quả của các biện pháp chống chuyển giá, ngăn chặn thất thu thuế hiện nay của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Liên quan vấn đề nêu trên, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định Bộ Tài chính và ngành thuế luôn quan tâm công tác chống chuyển giá để ngăn thất thu thuế. Theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức tự khai tự nộp.

Đối với Grab, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết sẽ trao đổi với Cục thuế TP. Hồ Chí Minh để chỉ đạo Chi cục thuế số 7 - Nhà Bè (đơn vị quản lý Công ty TNHH Grab) rà soát, đánh giá về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty TNHH Grab, đồng thời báo cáo ngay với Cục thuế TP. Hồ Chí Minh để chuyển báo cáo lên Tổng cục Thuế.

Tú Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/funtap-thu-khung-nhung-dong-thue-heo-lieu-co-can-dua-vao-tam-ngam-ve-thue-nhu-grab--i348201/