FPT đã thực hiện 3 vụ mua bán, sáp nhập lớn với một số công ty phần mềm Mỹ

Mỹ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Việt Nam bởi yếu tố quy mô thị trường lớn, pháp lý minh bạch với nguồn lực lao động trình độ cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Lũy kế đến ngày 20-2024, Việt Nam có 1.716 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 22,12 tỉ USD.

Các nước thu hút đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Mỹ chiếm 26,6% tổng vốn đầu tư; New Zealand chiếm 23,5%; Đức chiếm 21,5%; tiếp đến là Lào, Trung Quốc…

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Tại Mỹ, một số hoạt động đầu tư nổi bật đã có nhiều thành công có thể kể đến như đầu tư của VinFast hay FPT.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mỹ còn rất lớn, đặc biệt phải kể đến những ngành nghề như công nghệ thông tin, du lịch, ô tô…

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Marc Knapper cho biết "Select USA" là một trong những sự kiện lớn nhất về kêu gọi đầu tư vào Mỹ trong đó có hàng chục đại diện doanh nghiệp Việt - Ảnh: Ngọc Diệp

Tại buổi công bố về sự kiện “Select USA” với nội dung kêu gọi đầu tư vào Mỹ tổ chức ngày hôm nay 12-3, nhiều ý kiến về các cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mỹ trong các ngành nghề, đặc biệt ngành xuất khẩu phần mềm đã được đưa ra.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, Chuyên viên chính, Phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư, Cục Công nghiệp ICT, Bộ Thông tin & Truyền thông, thời cơ đang rất chín muồi để cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển ra nước ngoài.

Thứ nhất trong bối cảnh hàng trăm năm mới có một cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra như hiện nay, với rất nhiều cơ hội. Bộ Thông tin Truyền thông đang đẩy mạnh việc hỗ trợ đưa các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Thứ hai, Chính phủ đang đẩy mạnh chiến lược phát triển ngành bán dẫn, trong chiến lược này có sự liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp Mỹ, chính vì vậy cũng mở ra cơ hội hợp tác rất lớn với các nước trên thế giới cũng như Mỹ.

Ông Bùi Thanh Tùng, Chuyên viên chính, Phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư, Cục Công nghiệp ICT, Bộ Thông tin & Truyền thông - Ảnh: NGỌC DIỆP

Thứ ba, bối cảnh cục diện thị trường thế giới hiện nay rất ủng hộ Việt Nam. Trong năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới suy giảm nhưng ngành phần mềm vẫn tăng trưởng hai con số. Đặc biệt, toàn ngành công nghệ thông tin có những sự suy giảm nhưng riêng ngành phần mềm và dịch vụ tăng trưởng tốt.

Tính riêng trong ngành phần mềm Việt Nam hiện nay, tỉ lệ xuất khẩu chiếm 70%, cơ hội xuất khẩu rất lớn.

Thị trường IT thế giới có quy mô khoảng 1.800 tỉ USD, trong đó riêng Mỹ đã là 1.300 tỉ USD. Trong đó, chi tiêu IT của chính phủ Mỹ khoảng hơn 200 tỉ USD, tương đương khoảng 3,4% GDP Mỹ, một con số rất lớn.

Ngoài ra, các nền kinh tế phát triển khác cũng chi tiêu tỷ lệ ngân sách tương tự cho IT. Trong khi đó tại các nước đang phát triển, tỷ lệ chi tiêu của chính phủ cho IT thấp hơn mức đó rất nhiều.

Ông Tùng cho biết Bộ Thông tin & Truyền thông đã có một tổ tư vấn riêng để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, có sự tham gia của các bên như Bộ Công thương, Bộ Thông tin & Truyền thông liên quan đến IT, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đại diện các doanh nghiệp đã hoạt động ở nước ngoài.

Không chỉ vậy, tổ tư vấn phối hợp rất chặt chẽ với các hiệp hội ví như Vinasa hoặc các doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel.

Năm 2023 tổ tư vấn đã hỗ trợ khoảng 50 doanh nghiệp, kết nối và tài chính giúp các doanh nghiệp tham gia các sự kiện hội chợ lớn ở Singapore quy mô 1.000 doanh nghiệp công nghệ trên toàn cầu, đã có doanh nghiệp ký kết được hợp đồng ngay và mở văn phòng tại nước sở tại sau sự kiện, ông Tùng chia sẻ.

Không chỉ xuất khẩu phần mềm

FPT là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam và cũng là doanh nghiệp Việt Nam đi tiên phong và có rất nhiều thành công trong hoạt động đầu tư vào Mỹ. Đối với FPT, những ngày đầu tiên cũng có những gian khó, nhưng cho đến hiện tại, FPT Mỹ đã có rất nhiều thành công.

Đại diện cho FPT, ông Nguyễn Khải Hoàn - Phó Tổng Giám đốc FPT Software kể lại về con đường phát triển của FPT tại Mỹ: “FPT từng đã cố gắng lập văn phòng ở thung lũng Silicon Valley – Mỹ từ đầu những năm 2000 nhưng đối diện với một số khó khăn. Năm 2008, FPT chính thức lập văn phòng tại Mỹ.

Những kinh nghiệm phát triển thị trường và mở rộng hoạt động kinh doanh ở Nhật đã giúp cho FPT rất nhiều trong việc mở rộng ra các thị trường khác sau này.

Riêng ở Mỹ, hiện tại FPT Software có khoảng 6 văn phòng, khoảng 1.000 nhân viên, trong đó chủ yếu là người bản địa. Đã thực hiện ba vụ mua bán & sáp nhập (M&A) lớn với một số doanh nghiệp phần mềm tại thị trường Mỹ. FPT có nguồn lực được đào tạo tốt, dựa trên đó, FPT hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Mỹ thông qua mua bán & sáp nhập doanh nghiệp, hoặc lập liên doanh.

Trong đó, gần đây nhất, ngày 6-11-2023, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam này công bố thương vụ mua Cardinal Peak. Cardinal Peak là công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ có tuổi đời 20 năm tại thị trường Bắc Mỹ, với nhiều mảng hoạt động từ phần cứng, phần mềm nhúng, IoT, điện toán đám mây. Doanh nghiệp này còn tham gia phát triển sản phẩm di động cho hơn 300 công ty trong nhiều lĩnh vực, như ô tô, điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, phát nội dung trực tuyến, robot, an ninh - an toàn, quốc phòng - hàng không vũ trụ.

Tuy nhiên tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xuất khẩu phần mềm mà còn nhiều lĩnh vực khác, theo khẳng định của đại sứ Mỹ tại Việt Nam Mark Knapper.

Ông Knapper dẫn ra ví dụ rất nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã liên kết với các doanh nghiệp Mỹ để tổ chức các tour du lịch đưa người Việt sang Mỹ. Sắp tới vào tháng 5-2024 sẽ có một đoàn khoảng hơn 30 doanh nghiệp du lịch Việt Nam sang khảo sát nước Mỹ để tìm hiểu về các tuyến điểm mới.

Cũng theo ông Knapper, câu chuyện đầu tư của VinFast vào Mỹ cũng có thể coi như một câu chuyện đầu tư thành công của doanh nghiệp Việt sang thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới này.

Ngọc Diệp

Nguồn PLO: https://plo.vn/fpt-da-thuc-hien-3-vu-mua-ban-sap-nhap-lon-voi-mot-so-cong-ty-phan-mem-my-post780096.html