Focus: Gần thập kỷ di dời, người dân chờ từng ngày chung cư cũ được cải tạo

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ, tương đương hơn 3 triệu m² sàn, với hơn 100 nghìn hộ dân sinh sống. Đa số các chung cư cũ này đã hết niên hạn sử dụng, có nguy cơ đổ sập, cảnh báo cấp nguy hiểm cao nhất. Khiến nhiều cư dân đã phải gấp rút đi sơ tán. Với TP Hà Nội, cải tạo chung cư cũ là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhưng hiện mới chỉ cải tạo được khoảng 1%. Điều này đồng nghĩa hàng trăm hộ dân tạm cư ở khắp nơi đang chờ đợi từng ngày công trình được xây mới, để sớm được quay trở về nhà của mình.

Từ khi tòa G6A, 1 trong 5 tòa chung cư cũ ở Thành Công được đánh giá nguy hiểm cấp độ D. Hơn 20 hộ dân đã phải tạm thời di chuyển đến địa điểm khác để sinh sống và đón nhiều cái Tết xa nhà.

Dự kiến nhà G6A, G6B sẽ được cải tạo thành các chung cư cao tầng, phục vụ tái định cư cho tất cả các hộ dân thuộc 5 tòa nhà cũ với gần 290 căn hộ. Còn dư khoảng 70 căn dành cho mục đích thương mại dịch vụ. Khu đất còn lại sẽ xây 2 tòa trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn. Đa số hộ dân đều đồng tình, ủng hộ phương án trên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn, lo lắng về mức bồi thường và chất lượng nhà tái định cư.

Dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng việc công khai thông tin, lấy ý kiến của người dân là cần thiết. Hiện TP Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các giải pháp, nhằm đảm bảo tính chính xác hiệu quả, góp phần triển khai đồng bộ, đảm bảo tiến độ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

NHẬN DIỆN BẤT CẬP, KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH CẢI TẠO CHUNG CƯ CŨ

Hệ số K (hệ số khung) bồi thường là một trong những vướng mắc lớn nhất giữa nhà đầu tư và các chủ sở hữu trong việc cải tạo chung cư cũ hiện nay. Bởi chủ sở hữu thường yêu cầu hệ số K bồi thường cao, trong khi quy hoạch chung cư giới hạn số tầng. Diện tích sàn xây dựng có hạn, dẫn đến nhà đầu tư khó cân đối hiệu quả tài chính của dự án.

Thực tế cho thấy khi họp bàn lấy ý kiến về cải tạo nhà chung cư cũ, vướng mắc nhất là việc thống nhất cơ chế bồi thường, đặc biệt là với các hộ tại tầng 1 có diện tích cơi nới, lấn chiếm. Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2024 các quận huyện của TP Hà Nội sẽ được ủy quyền hệ số K dưới sự giám sát của Sở Xây dựng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, Hà Nội nên để người dân và chủ đầu tư tự quyết định mức bồi thường hợp lý.

Bên cạnh đó, để giải quyết tận gốc vấn đề này, Hà Nội cần đầu tư đồng bộ từng khu vực, kiến tạo lại tại các vị trí này thành những khu đô thị mới hiện đại, tạo ra giá trị mới cao hơn.

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, các chuyên gia cũng rất mong đợi các chính sách đẩy mạnh phân cấp phân quyền, trao cho Hà Nội chính sách đặc thù về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Ngoài ra, việc lập quy hoạch cải tạo chung cư cũ cũng cần phải quan tâm đến các chính sách đền bù trong trường hợp người dân không về nơi ở cũ hoặc không ra các khu tái định cư; phải kịp thời nắm bắt nguyện vọng của người dân để có những chính sách cụ thể, phù hợp.

CẢI TẠO CHUNG CƯ CŨ - GỠ DẦN NHỮNG “NÚT THẮT”

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 10 năm qua chỉ có khoảng 20 chung cư cũ đã được sửa chữa, tức dưới 3% tổng số nhà cần cải tạo trên toàn quốc. Những bất cập trong quy định cũ gây xung đột về lợi ích chính là nguyên nhân khiến cho vấn đề này bế tắc suốt thời gian dài. Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1 năm sau và việc khẩn trương hoàn thiện Dự thảo luật Thủ đô sửa đổi được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt trong cải tạo, xây mới hàng trăm chung cư cũ hiện nay.

Trước đây, để cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, phải có 100% cư dân đồng tình thì dự án mới được triển khai, nên chỉ cần 1/1000 hộ dân phản đối, kế hoạch cải tạo chung cư cũng có thể đi vào ngõ cụt.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cũng nhấn mạnh việc tạo cơ chế để người dân được góp vốn cùng nhà đầu tư; vừa giảm bớt gánh nặng nguồn vốn cho doanh nghiệp, mà người dân cũng có thêm cơ hội lựa chọn căn hộ sau cải tạo.

Hiện Bộ Xây dựng cũng đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về vấn đề này. Trong đó chủ đầu tư:

+ Được hưởng cơ chế ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án.
+ Được kinh doanh đối với diện tích nhà ở còn lại, sau khi đã thực hiện bố trí tái định cư.

Trường hợp thực hiện dự án xây dựng lại nhà chung cư theo giải pháp quy gom thì chủ đầu tư được hưởng cơ chế ưu đãi về đất đai và kinh doanh thương mại.

Đầu năm 2024, Hà Nội cho biết có gần 100 nhà đầu tư quan tâm đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng khi những nút thắt đang dần được tháo gỡ. Hy vọng công cuộc cải tạo, xây dựng các chung cư cũ sẽ được đẩy nhanh, sớm đem lại cảnh quan xanh sạch đẹp cho đô thị.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang - Công Kiên - Hoàng Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/focus-gan-thap-ky-di-doi-nguoi-dan-cho-tung-ngay-chung-cu-cu-duoc-cai-tao-216253.htm