FED cung cấp vũ khí lợi hại cho Trump?

FED đã tạo ra một bước đệm an toàn cho các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Trump, mà có thể khiến Mỹ rơi vào ‘lợi bất cập hại”...

Kết thúc cuộc họp kéo dài trong 2 ngày 13-14/12 vừa qua, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - đã công bố quyết định nâng biên độ lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ 0,25%-0,5% lên 0,5%-0,75%, dựa trên đánh giá các điều kiện về thị trường lao động và lạm phát.

Như vậy là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, FED đã tăng lãi suất cơ bản. Bước đi này không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích do kinh tế Mỹ đang hồi phục nhanh và thất nghiệp giảm mạnh.

Quyết định của FED có thể được coi là một tín hiệu khả quan, cho thấy các điều kiện tài chính của nền kinh tế đầu tàu thế giới đã ổn định sau cuộc suy thoái 2007-2008.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen. Ảnh : Reuters

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cá nhân người viết cho rằng qua quyết định nâng lãi suất, FED đã trao cho tân Tổng thống Trump một thứ vũ khí lợi hại chuẩn bị cho trận chiến đấu mới, trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng và bắt đầu quá trình thực thi quyền lực.

Tại sao lại nhận định như vậy?

Lợi – hại của kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu không hẳn từ hiệu ứng từ FED tăng lãi suất

Sau khi FED quyết định tăng lãi suất, ngay lập tức thị trường tiền tệ thế giới đã có phản ứng, mà thể hiện ra là giá trị của đồng USD tăng mạnh so với tất cả các đồng ngoại tệ mạnh khác như euro (EUR), bảng Ảnh (GBP), yên Nhật (JPY) hay nhân dân tệ (CNY).

Từ hiệu ứng đó đồng USD cũng tăng giá trị so với hầu hết các đồng tiến của các quốc gia trên thế giới.

Ngày 15/12 trên thị trường tiền tệ thế giới, đồng USD đã có biên độ tăng giá trị cao nhất kể từ năm 2003, lên mức : 1 EUR đổi 1,0515 USD, 117,26 JPY đổi 1 USD, 1GBP đổi 1,2520 USD. Thậm chí ngày 21/12 USD tăng đạt mức cao nhất trong 14 năm qua, lên mức : 1 EUR đổi 1,0396 USD, 117,85 JPY đổi 1 USD, 1GBP đổi 1,2372 USD.

Riêng với đồng nhân dân tệ thì ngày 15/12 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố tỉ giá tham chiếu bình quân của đồng CNY là : 1USD đổi 6,9289 CNY, giảm 261 điểm, lập kỷ lục thấp mới trong vòng 8 năm rưỡi qua.

Hiện nay đồng USD vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất trong nền kinh tế toàn cầu vì nó được sử dụng trong hơn 85% nghiệp vụ giao dịch ngoại hối trên thế giới, 39% các khoản nợ toàn cầu được yết giá bằng USD và đồng bạc xanh chiếm hơn 63% dự trữ ngoại tệ của các quốc gia.

Do vậy, giới phân tích nhận định động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ gây áp lực cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mà vay mượn quá nhiều bằng đồng bạc xanh, khi đồng USD tăng giá trị.

Song thực tế thì chưa hẳn như vậy. Bởi lẽ, việc đồng USD tăng giá chỉ gây thiệt hại cho các quốc gia nếu nợ nước ngoài vay bằng đồng USD > dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD. Trong khi đó có nhiều quốc gia có mức dự trữ ngoại tệ bằng USD > nợ nước ngoài vay bằng đồng USD nên việc đồng USD tăng giá lại có lợi cho quốc gia ấy.

Chẳng hạn như Trung Quốc – đối thủ lớn nhất của Mỹ - nợ nước ngoài vay bằng đồng USD chỉ chưa tới 1.000 tỷ USD, trong khi kho dự trữ ngoại tệ của nước này lên tới 3.100 tỷ USD, trong đó 63% là dự trữ bằng đồng USD. Như vậy, việc đồng USD tăng giá làm cho kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc phình to ra thêm.

Ở phía ngược lại, việc đồng USD tăng giá cũng được xem là gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ, nhất là trái phiếu chính phủ do nước ngoài nắm giữ sẽ làm tăng nợ nước ngoài của Mỹ. Bên cạnh đó là hiện tượng nhập siêu sẽ diễn ra vì đồng USD tăng giá khiến hàng hóa của Mỹ đắt đỏ hơn, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ sẽ gặp khó khăn, thậm chí thiệt hại.

Như vậy, việc FED nâng lãi suất cơ bản có thể làm thiệt hại cho nước Mỹ chứ chưa hẳn làm thiệt hại cho những đối thủ đang “cướp” lợi ích từ nước Mỹ, theo như lời tân Tổng thống Donald Trump.

Vậy phải chăng FED tăng lãi suất là gây khó cho ông Trump trong việc “tấn công” đối thủ, đòi lại cho người Mỹ những gì đã mất?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/fed-cung-cap-vu-khi-loi-hai-cho-trump-3325620/