FDI Moot 2020 'gọi tên' Đại học Luật Hà Nội và Học viện Ngoại giao

Đội Jennings (Đại học Luật Hà Nội) và đội Kateka (Học viện Ngoại giao) sẽ đại diện Việt Nam tham gia vào đấu trường FDI Moot 2020 châu Á-Thái Bình Dương diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc vào cuối năm nay.

Hai đội thi Jennings và Kateka xuất sắc bước vào Vòng thi Quốc gia Cuộc thi FDI Moot 2020.

Ngày 24/7, tại Học viện Ngoại giao đã diễn ra Vòng thi Quốc gia Cuộc thi Diễn án Trọng tài Đầu tư quốc tế 2020 (FDI 2020). Hội đồng giám khảo bao gồm: Luật sư Lê Nết làm Chủ tịch Hội đồng đồng và các thành viên khác là luật sư của hãng Luật Baker McKenzie và Rajah & Tan, đại diện của Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã gửi thông điệp chúc mừng thành công của FDI Moot 2020. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Phát triển Việt Nam tham dự và trao giải thưởng cho các đội và cá nhân giành chiến thắng.

Đội Jennings (Đại học Luật Hà Nội) gồm các thành viên: Trần Trung Hiếu, Lương Thị Thu Uyên, Vũ Trung Nguyên, Nguyễn Bảo Ngọc xuất sắc giành giải Quán quân cuộc thi.

Sau hơn 2 tháng phát động và 1 tuần tranh tài sôi nổi, Vòng thi Quốc gia Cuộc thi Diễn án Trọng tài Đầu tư quốc tế 2020 (FDI Moot 2020) đã chính thức lựa chọn ra 2 đội tuyển xuất sắc nhất là Jennings (Đại học Luật Hà Nội) và Kateka (Học viện Ngoại giao). Kết quả chung cuộc, đội thi đến từ Đại học Luật Hà Nội đã xuất sắc giành chức vô địch. Hai đội tuyển xuất sắc nhất sẽ đại diện Việt Nam tham gia vào đấu trường châu Á-Thái Bình Dương diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc vào cuối năm nay. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao một số giải thưởng tập thể và cá nhân khác tham dự cuộc thi.

Trong thông điệp gửi chương trình, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chúc mừng các đơn vị tổ chức, thí sinh, những người đã nỗ lực để tạo nên cuộc thi đầy thiết thực và ý nghĩa như FDI Moot, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Ông cũng khẳng định sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao đối với các nỗ lực của Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) và Học viện Ngoại giao trong việc thúc đẩy đào tạo các sinh viên luật Việt Nam đủ trình độ và kỹ năng phục vụ công cuộc mở cửa, hội nhập của đất nước.

Bà Lê Đức Hạnh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế (Bộ Ngoại giao) đọc thông điệp gửi cuộc thi của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung.

Đại diện Học viện Ngoại giao, đơn vị tổ chức chính của vòng chung kết và chương trình bế mạc, bà Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngoại giao cho biết vòng thi quốc gia FDI Moot năm nay có quy mô đội thi và sức lan tỏa lớn nhất trong 3 năm qua. Đặc biệt ở năm nay, các trận đấu vòng loại diễn ra trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Microsoft Teams.

Danh sách các giải thưởng:

Giải thưởng dành cho Đội thi:

- Giải nhất: Đội Jennings- Trường Đại học Luật Hà Nội

- Giải nhì: Đội Kateka- Học viện Ngoại giao

- Giải ba: Đội Fitzmaurice - Trường Đại học Ngoại thương và Đội Vereshchetin - Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

- Giải dành cho đội thi lần đầu có kết quả tốt nhất: Đội Sebutinde - Trường Đại học Duy Tân

- Giải dành cho đội truyền cảm hứng nhất: Đội Aranguren - Học viện Tòa án Việt Nam

- Giải dành cho đội có triển vọng: Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh

- Đội có điểm số cao nhất ở Vòng loại: Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Giải thưởng dành cho cá nhân:

- Giải cá nhân hùng biện xuất sắc nhất tại trận Chung kết: Nguyễn Bảo Ngọc, Đại học Luật Hà Nội

- Giải cá nhân hùng biện xuất sắc nhất bên Nguyên đơn: Quách Thanh Vịnh An –Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

- Giải cá nhân hùng biện xuất sắc nhất bên Bị đơn: Vũ Trung Nguyên, Trường Đại học Luật Hà Nội

- Giải cá nhân hùng biện xuất sắc nhất vòng loại: Vũ Trung Nguyên, Đại học Luật Hà Nội

- Giải thí sinh nổi bật nhất: Lê Thị Tâm Đan, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

- Giải thí sinh cao điểm nhất vòng loại: Đỗ Minh Châu, Đại học Luật Hà Nội

Đây là thách thức lớn về kỹ thuật đối với ban tổ chức nhưng cũng là một lợi thế vì Hội đồng giám khảo gồm 85 chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực luật đầu tư quốc tế đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể tham gia mà không gặp trở ngại về mặt địa lý. Cuối cùng, đại diện Học viện Ngoại giao đã gửi lời cảm ơn đến Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL), các bộ ngành, các trường đại học khác và những thí sinh dự thi là những đơn vị, cá nhân đã làm việc không ngừng nghỉ để tạo nên thành công cho cuộc thi.

Cuộc thi Diễn án Trọng tài Đầu tư quốc tế (Foreign Direct Investment International Arbitration Moot - FDI Moot) được hình thành năm 2006 với sự phối hợp của Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý quốc tế - CILS (Áo), Đại học King’s College (Anh), Đại học Pepperdine (Mỹ), Đại học Suffolk (Mỹ) và Hiệp hội Trọng tài quốc tế Đức (DIS).

FDI Moot được biết đến như một sân chơi dành cho sinh viên ngành luật trên toàn thế giới có niềm đam mê với tranh luận và hứng thú với các vấn đề về luật đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cuộc thi mang đến cho các bạn sinh viên cơ hội trải nghiệm vai trò luật sư tranh tụng trước một tòa án giả định về một vụ kiện giả định. Đây là một hoạt động thường niên truyền thống đối với sinh viên chuyên ngành luật với mục đích đào tạo cử nhân luật quốc tế hội nhập có trình độ ngoại ngữ và kỹ năng tranh tụng về thương mại đầu tư quốc tế.

Vòng thi quốc gia FDI Moot 2020 do Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) tổ chức phối hợp với Học viện Ngoại giao (DAV) đã thu hút tổng cộng 21 đội thi đến từ 14 trường đại học trên cả nước. Đây là vòng thi có quy mô đội thi và sức lan tỏa lớn nhất trong 3 năm qua.

Mỹ Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-hoc-luat-ha-noi-xuat-sac-gianh-giai-quan-quan-cuoc-thi-fdi-moot-2020-120105.html