F1, F0 đi làm: giảm khó nhân sự nhưng tăng áp lực về an toàn và chuyên môn

Đề xuất cho F0, F1 đi làm của Bộ Y tế nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp tại TPHCM trong bối cảnh ca mắc Covid-19 đang tăng cao khiến nguồn lao động bị thiếu hụt. Nhưng với những doanh nghiệp sản xuất đặc thù thì họ vẫn phải cân nhắc kỹ về các yếu tố rủi ro và khả năng đáp ứng chuyên môn của lao động.

Bộ Y tế vừa có đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể theo hình thức trực tuyến, có thể chăm sóc người bệnh Covid-19 tại gia đình, cơ sở điều trị. Tuy vậy, nếu cho phép F0 tự nguyện đi làm, doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo để người lao động phòng ngừa nguy cơ lây lan cho người khác bằng cách khuyến cáo người lao động, giãn cách trong sản xuất và bố trí các nơi làm việc phù hợp.

Áp lực về thiếu hụt nhân sự giảm đi

Hiện nay tại một số địa phương, F1 vẫn phải nghỉ làm 5 ngày và chỉ đi làm khi có xét nghiệm âm tính. Đồng tình với phương án người F1 đi làm bình thường, nhiều doanh nghiệp cho biết đề xuất từ Bộ Y tế sẽ tạo sự đồng nhất ở các địa phương bởi các áp lực về thiếu hụt nhân sự.

Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm như Công ty cố phần Thủy hải sản Sài Gòn chịu áp lực về an toàn sản phẩm nếu áp dụng đề xuất của Bộ Y tế. Ảnh minh họa: DNCC

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM (HBA), công nhân là F1, nếu test âm tính vẫn có thể đến nhà máy làm việc là hợp lý. Vì nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần 1 công nhân ở nhà trọ là F0, có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1. Đồng thời, nếu 1 công nhân được xác định là F0 tại nhà máy, có nguy cơ các công nhân của tổ sản xuất đó hoặc chuyền sản xuất đó bị quy vào diện F1. Nhà máy không có công nhân đi làm trong khi các doanh nghiệp hiện nay thiếu lao động rất trầm trọng.

Ông Bé cho rằng khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2 m. Các F1 này có sự giám sát của quản lý nhà máy. Đến ngày thứ 5, nếu xét nghiệm vẫn âm tính, công nhân đó được hòa nhập lao động trở lại.

Công ty Datalogic Việt Nam ở khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) có vốn đầu tư từ Ý, chuyên sản xuất máy đọc mã vạch, hiện có khoảng 800 người lao động cũng đồng thuận với đề xuất trên.

Theo doanh nghiệp này, mặc dù đến nay 100% công nhân của công ty đã tiêm mũi 2, 95% đã tiêm mũi 3 vaccine phòng dịch, nhưng khoảng 2 tuần gần đây công ty đã phát hiện nhiều trường hợp lao động bị nhiễm tăng lên. Điều này khiến doanh nghiệp phải đối diện với lượng lao động nghỉ cùng lúc nhiều và phải sắp xếp lại dây chuyền sản xuất.

Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Datalogic Việt Nam cho biết, giống như nhiều doanh nghiệp khác hiện nay những người lao động là F0 của công ty phải nghỉ việc và được giải quyết chế độ nghỉ ốm đau theo quy định. Tuy nhiên, nhiều người cũng đã tiêm mũi thứ 3 nên khi mắc phải Covid-19 triệu chứng bệnh không thể hiện nhiều.

Hiện khó xác định một công nhân đang mắc Covid-19 bởi nhiều người không có hoặc triệu chứng nhẹ, bản thân công nhân cũng không biết mình mắc. Họ vẫn làm việc bình thường. Một số công nhân mắc bệnh cũng rất sớm bình phục, nhiều người âm tính trở lại sau vài ngày. Do đó, đề xuất cho F0, F1 đi làm là phù hợp với thực tế, thể hiện sự thích ứng linh hoạt và cũng giúp Datalogic Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đảm bảo lượng nhân công sản xuất. Đây là mong muốn của hầu hết doanh nghiệp”, ông Chung nói về đề xuất của Bộ Y tế cho người lao động là F0, F1 đi làm.

Song ông Chung cho rằng tại mỗi doanh nghiệp đều có cách ứng phó để người lao động F0 đi làm không lây sang những người khác như tuân thủ 5K, có khu vực làm việc và ăn uống riêng, lối đi riêng để không ảnh hưởng đến người không nhiễm virus. Điều này đều được rút kinh nghiệm từ đợt hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp vẫn ưu tiên sự an toàn

Đề xuất của Bộ Y tế đã giúp doanh nghiệp giải tỏa được áp lực về thiếu hụt nhân sự nên nhận được nhiều sự đồng thuận của phần lớn doanh nghiệp. Tuy nhiên với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù đòi hỏi chuyên môn lẫn mức độ an toàn cao thì cũng cân nhắc về nhiều mặt.

Theo ông Trương Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), đề xuất của Bộ Y tế có thể là giải pháp tình thế giải tỏa áp lực cho nhiều doanh nghiệp sản xuất thiếu hụt nhân sự. Điều này rất cần thiết khi các ca nhiễm hiện nay có triệu chứng tăng nặng không nhiều và vẫn đảm bảo được tiến độ công việc. Tuy nhiên với các doanh nghiệp đặc thù cần một môi trường an toàn dịch tễ hay cần lao động có năng lực chuyên môn cao thì việc áp dụng phương án trên phải cân nhắc kỹ.

“Với doanh nghiệp thủy hải sản nói chung và Thủy hải sản Sài Gòn nói riêng thì việc đảm bảo an toàn là rất quan trọng. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều hoạt động trong môi trường lạnh nên mức độ lây nhiễm của virus là rất lớn, không chỉ đối với lực lượng lao động mà ảnh hưởng cả độ an toàn của sản phẩm. Vì vậy chúng tôi vẫn quyết định xét nghiệm liên tục, cho các ca nhiễm nghỉ theo quy định và hưởng chế độ như trước đây”, ông Dũng cho biết.

Hay như các doanh nghiệp có nhiều lao động thì để bố trí các khu vực công xưởng riêng cho F1, F0 cũng là một áp lực lớn và khó khả thi. Bởi đặc thù của một số ngành sản xuất là làm theo dây chuyền, không phải ai cũng có tay nghề giống nhau, chuyên môn khác biệt. Đó là chưa kể có nhiều công việc cần thực hiện với thiết bị được lắp đặt cố định không thể di chuyển.

Đại diện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết sẽ khó có thể sắp xếp khu vực làm việc riêng cho các công nhân F1, bởi lẽ PouYuen sản xuất theo dây chuyền liên tục từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Do vậy, giải pháp phù hợp nhất với doanh nghiệp này hiện nay vẫn là F0 tự cách ly và F1 đi làm với sự quản chế chặt chẽ.

Mặc dù đề xuất cho F1 đi làm là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo trong trường hợp đề xuất được chấp thuận thì việc tổ chức cho F1 làm việc trực tiếp trở lại do chính doanh nghiệp quyết định và phải có biện pháp linh hoạt. Chẳng hạn, với vùng dịch có số lượng F1 cao, doanh nghiệp có thể xem xét cho đi làm. Còn ở nơi ít ca nhiễm, bảo đảm nhân lực thì nên để F1 làm trực tuyến nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Lê Hoàng - V.Dũng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/f1-f0-di-lam-giam-kho-nhan-su-nhung-tang-ap-luc-ve-an-toan-va-chuyen-mon/