EVN nỗ lực vượt khó hoàn thành mục tiêu kế hoạch

Năm 2020 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Tập đoàn đã nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Bảo đảm đủ điện phát triển kinh tế - xã hội

Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300 MW, tăng gần 14.000 MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện tái tạo là 17.430MW, tăng 11.780 MW so với năm 2019 và chiếm tỷ trọng 25,3%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và đứng thứ 23 thế giới.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, tăng 2,9% so với năm 2019.

Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019 và bằng 94,73% kế hoạch năm.Trong đó,Tổng công ty Điện lực miền Bắc tăng trưởng cao nhất 6,76%; Tổng công ty Điện lực miền Nam tăng trưởng 3,81% và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội tăng trưởng 2,63%.

Về cơ cấu điện thương phẩm: điện cấp cho lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 3,24%; điện cấp cho quản lý tiêu dùng có mức tăng trưởng 6,72%; điện cấp cho thương mại – khách sạn – nhà hàng, là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID -19, giảm 11,62% so năm 2019 và điện cấp cho nông nghiệp tăng trưởng 12,0%.

TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối được gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III. Ảnh : VGP/ Toàn Thắng

TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối được gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ III. Ảnh : VGP/ Toàn Thắng

Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện và thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống.Tập đoàn cũng đã chủ động phối hợp cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất điện (than, khí, dầu) và đáp ứng đủ điện cho sản xuất của các doanh nghiệp.

Với những nỗ lực trong công tác đầu tư xây dựng các dự án điện, thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo, EVN cho biết, đến nay 100% số xã trên cả nước có điện; 99,54% số hộ dân được sử dụng điện, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.

Báo cáo Tổng kết của EVN cũng nhấn mạnh năm 2020 là một năm vận hành đầy biến động, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phụ tải điện tăng trưởng thấp, thủy văn diễn biến bất thường, phức tạp và rất khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng "thừa nguồn" trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần.

Sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng đạt và vượt mục tiêu

Năm 2020, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, về tài chính, đảm bảo Công ty mẹ và các đơn vị đều có lãi (lợi nhuận công ty Mẹ ước đạt 1.527 tỷ, vượt kế hoạch. Nộp ngân sách 27.800 tỷ đồng).

Chỉ tiêu tổn thất điện năng ước đạt 6,42% vượt chỉ tiêu đề ra (6,5%), đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển.

Năng suất lao động đạt 2,52 triệu kWh/người vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trong kế hoạch 5 năm (2,5 triệu kWh/người), tăng 3,7% so với năm 2019.

Cùng với đó,Tập đoàn đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn

Công tác dịch vụ khách hàng của Tập đoàn tiếp tục đạt nhiều kết quả mang tính đột phá. Đến nay, EVN đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG).

Đồng thời, đã hoàn thành tích hợp toàn bộ 12/12 dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 lên Cổng DVCQG và là đơn vị tiên phong chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện sang nền tảng thanh toán của Cổng DVCQG. Các dịch vụ điện thuộc nhóm các dịch vụ nổi bật, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu cung ứng dịch vụ trên Cổng DVCQG.

Về cung cấp dịch vụ điện, các Tổng công ty Điện lực trực thuộc Tập đoàn đã tiếp nhận trên 9,37 triệu yêu cầu dịch vụ điện, trong đó trên 9 triệu yêu cầu được tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công; các yêu cầu tiếp nhận qua Internet chiếm tỷ lệ 11,64%.

Về cung cấp trực tuyến mức độ 4 đã tiếp nhận trên 2 triệu yêu cầu, trong đó: tiếp nhận tại phòng Giao dịch khách hàng là 16,07% và 83,93% tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công. Riêng tiếp nhận qua internet là 50,85%.

Đáng chú ý, EVN đã tiếp nhận trên 547.000 yêu cầu cung cấp dịch vụ điện qua Cổng DVCQG, tương ứng với 33,88%, vượt 13,88% kế hoạch. Tất cả các Tổng công ty Điện lực trực thuộc đều thực hiện vượt kế hoạch Tập đoàn giao (20%), trong đó, Tổng công ty Điện lực miền Trung đạt cao nhất 46,92%, vượt kế hoạch 26,92%.

Đến nay, tỷ lệ khách hàng không dùng tiền mặt và tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đều vượt so với kế hoạch đề ra.

Tập đoàn cũng đã triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới. Với những nỗ lực đó, thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp của Điện lực bình quân là 3,17 ngày, giảm 0,66 ngày so với năm 2019; thời gian cấp điện qua lưới điện hạ áp bình quân cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là 2,27 ngày, khu vực nông thôn là 2,67 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,66 ngày.

Cùng với nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Tập đoàn đồng thời thực hiện hỗ trợ giảm giá, giảm tiền điện trong 2 đợt cho khách hàng sử dụng điện nhằm chia sẻ những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt với khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID -19 với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng.

Với những kết quả nổi bật trong năm 2020 và trong những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành Điện lực Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, cùng nhiều Huân - Huy chương, Bằng khen các loại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao Huân Chương lao động hạng 2, hạng 3 cho các cá nhân tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của EVN. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao Huân Chương lao động hạng 2, hạng 3 cho các cá nhân tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của EVN. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Đặc biệt, năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới.

Tập trung thực hiện Chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số”

Năm 2021, EVN chọn Chủ đề năm “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của Tập đoàn; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạtđộng sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng; phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.

Tập đoàn cũng đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu: Điện thương phẩm đạt 228,156 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020; chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện: chỉ số SAIDI thấp hơn 349 phút; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: dưới 6,35%; chỉ số tiếp cận điện năng: duy trì vị trí trong ASEAN 4; đầu tư xây dựng: tổng giá trị 97.124 tỷ đồng; bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kinh doanh có lợi nhuận.

Đồng thời, Tập đoàn đã đề ra 9 nhiệm vụ và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch năm 2021.

Toàn Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/evn-no-luc-vuot-kho-hoan-thanh-muc-tieu-ke-hoach/419641.vgp