EU trừng phạt Nga: Tác dụng và hạn chế

Đúng vào dịp một năm ngày khởi đầu cuộc chiến Nga - Ukraine, EU tung ra gói thứ 10 những biện pháp chính sách trừng phạt Nga.

Hình minh họa về trừng phạt Nga. Nguồn: Qirim.

Cả ở lần trừng phạt mới này, lô gic mưu tính của EU vẫn là gây khó dễ về mọi phương diện, triệt hạ mọi nguồn thu lợi kinh tế, xuất khẩu để Nga dần cạn kiệt khả năng tài chính sử dụng cho cuộc chiến ở Ukraine, thu hẹp phạm vi hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm gây bất an, bất ổn trong nội bộ xã hội Nga, để nước này phải chịu thất bại ở Ukraine.

Định hướng chủ trương của EU trong chuyện này là gia tăng mức độ và mở rộng phạm vi áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt Nga. Theo số liệu thống kê của EU, trong thời gian một năm qua, EU đã ban hành và áp dụng hơn 500 biện pháp chính sách lớn nhỏ trừng phạt Nga.

Sự trừng phạt này của EU gây tổn hại cho Nga nhưng không làm cho Nga bị lụn bại về chính trị, kinh tế và tài chính như EU kỳ vọng và tin tưởng. Trái lại, kinh tế của Nga trong một năm qua đã bộc lộ khả năng đề kháng và ứng phó rất cao đối với các biện pháp trừng phạt của EU.

Trong khi ngành hàng không và công nghiệp chế tạo ô tô của Nga bị tổn hại nặng nề nhất mà Nga hiện vẫn chưa có cách khắc phục thì những lĩnh vực còn lại, Nga đã tìm ra được giải pháp để tránh, để giảm thiểu hoặc vô hiệu hóa nhiều tác động tiêu cực.

Chỉ riêng việc EU trong thời gian một năm đưa ra tận những 10 gói các biện pháp chính sách trừng phạt Nga đã cho thấy hai điều. Thứ nhất, EU chưa thay đổi triết lý, cách tiếp cận và định hướng đối phó Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Thứ hai, EU hiện trong tình trạng bế tắc ý tưởng đối sách mới nhằm vào Nga, vì bế tắc nên cứ phải tiếp tục hành xử như trong thời gian qua cho tới khi có được kiến giải mới.

Vì thế, gói những biện pháp chính sách thứ 11 của EU nhằm trừng phạt Nga chắc sẽ không để chờ đợi lâu.

Nguyên Sa

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/eu-trung-phat-nga-tac-dung-va-han-che.html