EU thiếu 61 tỷ USD ngân sách quốc phòng

Các thành viên châu Âu của NATO đã đổ số vũ khí và đạn dược trị giá hàng chục tỷ euro vào Ukraine để thúc đẩy một cuộc chiến chống lại Nga, mà không thu được kết quả gì ngoài các cuộc khủng hoảng kinh tế và thâm hụt ngân sách tăng vọt trong nước cũng như việc mất đi nguồn tài chính rẻ nhất và nguồn năng lượng đáng tin cậy nhất.

Xe tăng Leopard 2A4 của Đức tham gia cuộc tập trận Người bảo vệ kiên định 2024 của NATO tại Ba Lan

Theo nghiên cứu của Viện Ifo của Đức, các thành viên châu Âu của NATO sẽ phải chi thêm 56 tỷ euro (60,8 tỷ USD) tiền mặt để đáp ứng mục tiêu của NATO là dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Theo tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Munich, nhiều nước thành viên NATO đang chìm trong nợ nần lên tới 100% GDP và mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang tấn công khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Một minh chứng là Đức dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách 17 tỷ euro (18,45 tỷ USD) trong năm 2024, theo sau lần lượt là Tây Ban Nha với khoản thâm hụt 11 tỷ euro, Italy với 10,8 tỷ euro và Bỉ với 4,6 tỷ euro. Italy dự đoán mức thâm hụt 7,2% sẽ làm tăng chi phí lãi vay của chính phủ lên tới 9% tổng doanh thu trong năm nay.

Nhà kinh tế Marcel Schlepper của Ifo cho biết: “Các quốc gia có mức nợ cao và chi phí lãi suất cao không có nhiều dư địa để tăng thêm nợ, vì vậy cách thực sự duy nhất để làm điều đó là cắt giảm chi tiêu ở các lĩnh vực khác”. Theo nhà phân tích này, “điều này không dễ dàng, như chúng ta đã thấy khi Đức cố gắng cắt giảm trợ cấp cho dầu diesel nông nghiệp và nông dân đã biểu tình”.

Ngoài tình trạng bội chi ngân sách và nợ tăng vọt, các nước EU còn đang chuẩn bị cho các quy định tài chính mới do Brussels yêu cầu, điều này sẽ buộc họ phải cắt giảm ngân sách để đáp ứng yêu cầu thâm hụt ngân sách ở mức 3%/năm và nợ công không vượt quá 60% GDP.

13 trong số 27 thành viên của EU (11 trong số đó là thành viên NATO) hiện đang không đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ nợ trên GDP, trong số đó có các cường quốc như Đức, Pháp và Italy.

Đồng thời, vào năm 2023, chỉ 11 trong số 30 quốc gia của NATO (8 trong số đó là thành viên EU) đáp ứng yêu cầu dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng.

Khoản thiếu hụt 56 tỷ euro này gần tương đương với khoản viện trợ quân sự trị giá 51 tỷ euro (55,4 tỷ USD) mà các nước châu Âu đã cam kết cho Ukraine trong 24 tháng qua, theo dữ liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel. Các số liệu của viện cho thấy, nếu không viện trợ cho Kiev, EU có thể thoải mái tăng chi tiêu quốc phòng trong ba năm liên tiếp mà không gặp khó khăn gì.

Các nhà lãnh đạo châu Âu có quan điểm cứng rắn chống Nga đã bị chỉ trích vì cổ vũ một cuộc chạy đua vũ trang ngay cả khi chi tiêu xã hội bị cắt giảm và các nền kinh tế khu vực chìm vào suy thoái. Tháng trước, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã bị chỉ trích sau khi nói rằng người châu Âu đã hưởng lợi quá lâu và tốt hơn hết họ nên làm quen với ý tưởng chính phủ của họ đổ tiền thuế vào quốc phòng thay vì các chương trình xã hội./.

(Theo Sputnik)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/eu-thieu-61-ty-usd-ngan-sach-quoc-phong-227589.htm