EU thích dùng 'cây gậy' hơn 'củ cà rốt', công nghiệp nguy cơ tụt hậu trước sự toan tính khôn ngoan của Mỹ và Trung Quốc

Trước những bước đi sớm đầy khôn ngoan của Trung Quốc và Mỹ, nếu châu Âu muốn đạt mục tiêu 'tự chủ chiến lược', duy trì khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp, nhất định cần những quyết định sáng suốt.

Công nghiệp EU nguy cơ tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Shutterstock)

Công nghiệp EU nguy cơ tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Shutterstock)

Trong bài viết mới đây đăng trên Social Europe, tác giả Judith Kirton-Darling nhận định, những lựa chọn mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra trong vài năm tới sẽ quyết định liệu ngành công nghiệp châu Âu có tương lai lâu dài hay không.

Vài tuần trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (tháng 6/2024), ngành công nghiệp ở lục địa này đang đấu tranh để tồn tại. Nhưng thay vì đưa ra những quyết định khó khăn cần thiết để đảo ngược tình trạng suy thoái, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có xu hướng chấp nhận hiện trạng. Một số người thậm chí còn phản đối các kế hoạch hiện đại hóa cơ sở công nghiệp của châu lục.

Lĩnh vực sản xuất của lục địa già đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức chưa từng có trong những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine đã khiến châu Âu phải phụ thuộc vào những nước khác về hàng hóa quan trọng, đồng thời giáng những đòn nghiêm trọng vào ngành sản xuất bằng cách làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra các cuộc khủng hoảng về năng lượng và chi phí sinh hoạt.

Việc các tập đoàn theo đuổi chủ nghĩa ngắn hạn - thể hiện ở việc họ ưu tiên chia cổ tức và mua lại cổ phần hơn là tái đầu tư - đã làm suy yếu thêm tính năng động và khả năng phục hồi của khu vực sản xuất tại EU. Đáng lo ngại nhất là châu lục phải đối mặt là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang làm tăng nhanh chi phí tài chính và con người.

Tác động đối với ngành công nghiệp châu Âu đã rõ ràng. Vào năm 2022, thâm hụt thương mại của EU đạt mức đáng kinh ngạc là 432 tỷ Euro, do chi tiêu cao hơn cho nhập khẩu năng lượng và tổn thất trong sản xuất liên quan cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong năm tài chính tính đến tháng 2, sản xuất công nghiệp đã giảm 6,4% ở khu vực đồng Euro và 5,4% ở EU.

Hy vọng từ Green Deal

Trừ khi EU đảo ngược tình trạng suy thoái, nếu không, người châu Âu có thể sẽ không có các ngành công nghiệp như trước đây - lĩnh vực trong nhiều thập niên đã cung cấp việc làm có chất lượng cho vô số người lao động. Và không rõ khoảng trống đó sẽ được lấp đầy như thế nào.

Các cường quốc kinh tế lớn khác trên thế giới đã cam kết hiện đại hóa công nghiệp. Trung Quốc và Mỹ là những ví dụ sinh động. Hai thập niên thực hiện chiến lược công nghiệp tích cực đã mang lại cho Bắc Kinh vị trí thống trị trong hầu hết các chuỗi cung ứng công nghệ sạch.

Trong khi đó, gần đây, Washington đã phản ứng bằng chính sách công nghiệp của riêng mình, với việc ban hành Đạo luật Khoa học & CHIPS, cũng như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

Nếu các ngành công nghiệp châu Âu muốn duy trì khả năng cạnh tranh trong môi trường này - và nếu châu lục muốn đạt được mục tiêu “tự chủ chiến lược" - thì EU sẽ phải có những bước đi tương tự.

Tin tốt là EU đã có lộ trình hiện đại hóa công nghiệp bền vững với việc ban hành Green Deal (Thỏa thuận Xanh). Đây là một bộ chính sách trên phạm vi rộng nhằm biến EU thành một nền kinh tế hiện đại, tiết kiệm tài nguyên và cạnh tranh.

Thật không may, Green Deal khó có thể là một giải pháp khắc phục dễ dàng và dường như châu lục còn lâu mới thực hiện được thỏa thuận. Để đạt được mục tiêu, các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ phải cung cấp khoản đầu tư nhanh chưa từng có, đồng thời đảm bảo rằng, ngành công nghiệp và người lao động ở tất cả các quốc gia thành viên đều được tham gia.

Chiến lược toàn diện

Nhu cầu đầu tư của Green Deal rất đáng kể. Với mức tiêu thụ điện dự kiến sẽ tăng khoảng 60% vào năm 2030, Ủy ban châu Âu (EC) ước tính sẽ cần 584 tỷ Euro trong thập niên này chỉ để hiện đại hóa lưới điện toàn châu lục. Điều đó đòi hỏi một chiến lược đầu tư toàn diện trên toàn EU nhằm duy trì ngành công nghiệp nặng hiện có và khuyến khích đổi mới công nghệ sạch.

Nghị viện châu Âu tiếp theo cần ưu tiên thực hiện Green Deal, cùng với các sáng kiến nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp và thu hút sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. (Nguồn: Furn360)

Nghị viện châu Âu tiếp theo cần ưu tiên thực hiện Green Deal, cùng với các sáng kiến nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp và thu hút sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. (Nguồn: Furn360)

Trong gần 20 năm, EU đã ủng hộ phương thức dùng “cây gậy” trong giao dịch khí thải thay vì “củ cà rốt” hoặc các biện pháp khuyến khích tích cực cho quá trình khử cacbon. Chắc chắn là, Hệ thống thương mại phát thải châu Âu (European Emissions Trading System) đã giúp hạn chế lượng khí thải từ sản xuất điện. Nhưng nó cũng làm tăng áp lực lên khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp lục địa này - áp lực mà IRA đang tăng lên.

Hệ thống thương mại phát thải, được vận hành từ 1/1/2024, với mục tiêu đặt ra giới hạn tuyệt đối hằng năm đối với lượng phát thải một số loại khí nhà kính và yêu cầu mua phụ cấp phát thải. Quy định này được thực hiện theo từng giai đoạn, trong đó 40% lượng khí thải bị tính giá từ năm 2024, 70% vào năm 2025 và cuối cùng 100% lượng khí thải sẽ bị tính giá từ năm 2026 trở đi.

EU đã cố gắng giảm bớt áp lực đó thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và quy định trợ cấp nước ngoài. Nhưng đây chỉ là những biện pháp cục bộ. Các nhà lãnh đạo liên minh phải tiến xa hơn nữa, đưa ra một chiến lược công nghiệp rộng lớn hơn nhằm giải quyết những thiếu hụt đầu tư và giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc sản xuất hàng hóa có giá trị ròng bằng 0 đắt hơn trong thị trường toàn cầu cạnh tranh khốc liệt.

Ảnh hưởng tới đầu tư?

Thật không may, các quy định tài chính mới của EU - được Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU nhất trí hồi tháng 2 năm nay - có nguy cơ làm suy yếu khả năng đầu tư vào công nghệ xanh và nâng cấp công nghiệp của khối, đồng thời làm sâu sắc thêm sự chênh lệch giữa các quốc gia thành viên.

Theo nghiên cứu của Liên đoàn Công đoàn châu Âu, chỉ có ba quốc gia (Đan Mạch, Ireland và Thụy Điển) có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư xanh và xã hội theo các quy định mới. Để thu hẹp khoảng cách với phần còn lại của EU, sẽ cần thêm 300 - 420 tỷ Euro mỗi năm. Nếu khoản tài trợ này không được duyệt chi, thị trường nội bộ EU có nguy cơ bị phân mảnh, điều này sẽ đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hóa.

Hơn nữa, cần có sự hỗ trợ cho các cộng đồng lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và bảo vệ môi trường. Tất cả đều cần thiết để giành được niềm tin của công chúng. Những thời điểm đặc biệt đòi hỏi những giải pháp sáng tạo. Các phương pháp tiếp cận như thắt lưng buộc bụng, “linh hoạt hóa” thị trường lao động và tư nhân hóa có khả năng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những vấn đề mà EU gặp phải.

Châu Âu cần chiến lược công nghiệp tổng thể để phù hợp với chiến lược của các đối thủ cạnh tranh - một cách tiếp cận có tính đến tất cả các khía cạnh của những thách thức phía trước. Ví dụ, việc tập trung một chiều vào các tiêu chí môi trường nghiêm ngặt có nguy cơ tạo ra các sản phẩm xanh với giá cả quá đắt đỏ, điều này sẽ cản trở sự tiến bộ trong lĩnh vực xe điện và các ngành công nghiệp quan trọng khác.

Những lựa chọn mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra trong những năm tới sẽ quyết định liệu ngành công nghiệp châu Âu - một phần không thể thiếu trong cơ cấu xã hội của khối - có tương lai lâu dài hay không. Đó là lý do tại sao Nghị viện châu Âu tiếp theo cần ưu tiên thực hiện Green Deal, cùng với các sáng kiến nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp và thu hút sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-thich-dung-cay-gay-hon-cu-ca-rot-cong-nghiep-nguy-co-tut-hau-truoc-su-toan-tinh-khon-ngoan-cua-my-va-trung-quoc-271416.html