EU sẽ không bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập vào năm 2024

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đạt được tiến triển trong việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới

Cờ của Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Theo ông Peter Stano, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) về chính sách đối ngoại và an ninh, việc gia nhập EU là một quá trình kéo dài nhiều năm chứ không phải vài giờ.

Trên thực tế, các nhà quan sát tin rằng Ankara không thực sự kỳ vọng rằng quốc gia này sẽ được kết nạp vào EU mà chỉ tìm cách đạt được sự nhượng bộ từ Brussels trong việc nâng cấp Liên minh Hải quan EU - Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường thu hút đầu tư của từ liên minh này.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 10/7 tuyên bố Ankara sẽ chấp thuận đề nghị trở thành thành viên NATO của Thụy Điển, song chỉ sau khi những trở ngại trên con đường trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ được dỡ bỏ.

Đáp lại, EC ngay lập tức tuyên bố rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển không thể liên quan đến tiến trình trở thành thành viên EU của nước này. Nghị sĩ Pháp Thierry Mariani tại Nghị viện châu Âu (MEP) nói với báo Izvestia rằng ông nhận thấy việc nối lại các cuộc đàm phán gia nhập EU với Thổ Nhĩ Kỳ là vô ích. Theo MEP, thỏa thuận được ký bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO về cơ bản là về các nghĩa vụ của Thụy Điển.

Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ kỷ lục về thời gian chờ đợi lâu nhất so với bất kỳ quốc gia nào xin gia nhập EU. Để đạt được mục tiêu trở thành thành viên EU, Croatia phải chờ đợi 10 năm, Bắc Macedonia là 17 năm, Montenegro khoảng 12 năm và Serbia là 11 năm. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi gần nửa thế kỷ.

Nhà khoa học chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Kerim Has tin rằng Tổng thống Erdogan không thực sự mong đợi một bước đột phá trong các cuộc đàm phán với châu Âu.

Theo chuyên gia này, Ankara cần đảm bảo rằng tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ được ủng hộ ít nhất là trong các tuyên bố chính thức vì điều này có thể giúp cải thiện tình hình kinh tế của đất nước.

Bởi lẽ, ông Erdogan đang tính đến việc thu hút đầu tư từ phương Tây, trong khi các nhà đầu tư lại quan tâm đến những đánh giá về triển vọng kinh tế của các cơ quan xếp hạng phương Tây, chẳng hạn như Fitch và Moody's.

Do đó, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo của các nước và tổ chức ở phương Tây sẽ nắm được những thông tin tích cực về triển vọng trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó giúp gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư bên ngoài.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-se-khong-bat-den-xanh-cho-tho-nhi-ky-gia-nhap-vao-nam-2024-20230719191313529.htm