EU phụ thuộc vào khoáng sản Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) đang trong tiến trình tìm nguồn cung kim loại, đất hiếm phục vụ chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy số hóa.

Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung đất hiếm đến từ Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung đất hiếm đến từ Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Ngay cả khi EU cố gắng cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, khối này cũng phụ thuộc rất nhiều vào kim loại công nghiệp và đất hiếm của Trung Quốc cho tourbin gió, xe điện, pin mặt trời và chất bán dẫn.

Với tốc độ gia tăng của quá trình số hóa và chuyển đổi năng lượng, nhu cầu về nguyên liệu thô của EU chắc chắn sẽ tăng, nhưng hoạt động khai thác kim loại và đất hiếm chỉ tập trung ở một số khu vực trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu mặt hàng này nhiều nhất.

Phần lớn nguồn cung kim loại của EU là từ nhập khẩu. Trong số 30 nguyên liệu thô mà EU phân loại là quan trọng, 19 nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Danh sách này bao gồm magie, đất hiếm và bismuth... Trung Quốc được cho là nhà cung cấp độc quyền cho khối bởi thực tế nước này hỗ trợ tới 98% nguyên liệu thô cho EU.

Sự phụ thuộc này có thể tăng lên trong tương lai. EU cho rằng chỉ riêng nhu cầu cho cobalt sẽ tăng gấp năm lần vào năm 2030. Nhu cầu lithium dự kiến sẽ tăng gấp 18 lần vào năm 2030 và gấp 60 lần vào năm 2050 nhờ các dự án di động điện tử (e-mobility).

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng nhu cầu của châu Âu sẽ được đáp ứng đầy đủ trong tương lai. Một báo cáo hồi tháng Ba của tờ Handelsblatt cho biết, các chuyên gia trong Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã tranh luận vào tháng 1/2021 về việc có nên ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ hay không.

Châu Âu sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Trong kế hoạch 5 năm mới nhất của mình, Bắc Kinh nói rõ rằng sẽ cắt giảm xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng.

Trung Quốc đặt mục tiêu cân bằng lượng khí thải carbon vào năm 2060 và cần nhiều nguyên liệu thô quan trọng để sử dụng trong nước. Thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chủ chốt. Do đó, nguy cơ nước này hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô sẽ luôn hiện hữu.

EU hiện đang đứng trước bối cảnh phải đa dạng hóa nguồn cung các loại kim loại và đất hiếm. Năm 2020, Liên minh Nguyên liệu thô châu Âu được thành lập, nhằm tăng cường nguồn cung và đa dạng hóa nhập khẩu cho các ngành công nghiệp trong khối.

EU còn đặt mục tiêu tăng cường các hoạt động khai thác và chế biến nguyên liệu thô, hoặc sử dụng nhiều vật liệu thông qua các quy trình tái chế hiệu quả và tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn.

Tuy vậy, Trung Quốc cũng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Đức. Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô từ châu Âu hơn là xuất khẩu, chẳng hạn như các sản phẩm lâm nghiệp và kim loại đã qua chế biến. Điều này ít nhất cũng cho thấy có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa EU và Trung Quốc.

(theo DW)

Trà My

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-phu-thuoc-vao-khoang-san-trung-quoc-181989.html